Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần đưa an ninh môi trường vào nội dung quản lý Nhà nước

Thứ ba, 17/10/2017 - 06:23

(Thanh tra)- Để đảm bảo an ninh môi trường (ANMT), PGS. TS Phạm Danh Sơn - Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, cần có những quy định cụ thể và đưa ANMT vào nội dung quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường và phát triển bền vững các cấp độ.

Các nhà máy và việc xả khí thải có ảnh hưởng trực tiếp đến ANMT. Ảnh: T.A

An ninh môi trường đến từ đâu?

Các nguy cơ, đe dọa từ môi trường đến từ hoạt động phát triển không hoặc ít thân thiện với môi trường; bất cập trong quản lý và thay đổi của bản thân môi trường. Cụ thể, các báo cáo hiện trạng môi trường (MT) quốc gia hay theo chuyên đề đều xác định rõ những động lực (Driving) và sức ép, áp lực (Pressure) đối với MT. Tính chất “nâu” trong hoạt động phát triển ở nước ta trong một thời gian dài đã tích lũy và để lại hệ quả xấu với MT, trở thành những nguy hiểm hay mối đe dọa MT.

Theo đánh giá của Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bên cạnh những thành tựu, kết quả tích cực thì những bất cập, yếu kém trong quản lý MT đã được các cơ quan có thẩm quyền chỉ ra. Bất cập, yếu kém trong quản lý, đặc biệt là trong xử lý, khắc phục các điểm nóng MT làm tích lũy, gia tăng mức độ ô nhiễm MT, xuống cấp về chất lượng các thành phần MT để rồi cuối cùng trở thành những nguy hiểm hay mối đe dọa về MT. Thêm nữa, tác động tiêu cực của các hiện tượng thiên nhiên như biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa tự nhiên,... ngày càng nhiều và rõ rệt ở nước ta làm tăng các nguy hiểm hay mối đe dọa MT đối với phát triển bền vững.

3 điều kiện cần để đảm bảo ANMT

ANMT cấu thành an ninh quốc gia và là điều kiện của phát triển bền vững. Trạng thái MT nước ta hiện diện nhiều điểm nóng. Phản ứng xã hội đang gia tăng đến mức ngày càng nhiều lãnh đạo chính quyền các cấp phải thực hiện đối thoại để giải tỏa bức xúc xã hội. Thiệt hại, mất mát về kinh tế có nguồn gốc từ tài nguyên môi trường cũng ngày càng lớn (ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế cho thấy hiện nay khoảng 3-5% GDP mỗi năm).

Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo ANMT, về quản lý, trên cơ sở Luật Bảo vệ Môi trường (Điều 5, khoản 9) có những quy định cụ thể và đưa ANMT vào nội dung quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường và phát triển bền vững các cấp độ, bao gồm từ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường cho đến các chính sách phát triển bền vững. Các báo cáo hiện trạng MT quốc gia và địa phương được công bố định kỳ 5 năm, hàng năm cũng cần có nội dung đề cập về ANMT...

Lũ lụt xảy ra liên tiếp trong thời gian qua cũng là hậu quả biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng tới ANMT. Ảnh: T.A

Theo PGS.TS Phạm Danh Sơn, nghiên cứu về ANMT làm căn cứ khoa học và thực hiện đưa nội dung ANMT vào hoạt động quản lý phát triển bền vững, trong đó có bộ chỉ số ANMT cho quốc gia và địa phương với các hướng dẫn phù hợp. Cùng với đó, cần sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp như: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), tập trung vào các hoạt động cộng đồng. Bởi đây là một chủ thể quan trọng của ANMT, nhất là ở khía cạnh phản ứng xã hội (cộng đồng). Cũng cần tính tới việc ban hành Chiến lược quốc gia về ANMT với tầm nhìn đến năm 2035 để phát triển bền vững.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Sinh (VACNE) có quan điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cho phép nghiên cứu xây dựng một báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm số chuyên đề về đảm bảo ANMT; đồng thời, Quốc hội và Chính phủ cho phép tổ chức xây dựng dự thảo và chiến lược về đảm bảo ANMT quốc gia càng sớm càng tốt.

“Dự thảo Chiến lược quốc gia về đảm bảo ANMT nên chú trọng 3 vấn đề chính là: Xây dựng một tổ chức phù hợp, chuyên trách về ANMT; cần nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết đảm bảo ANMT, kể cả việc bổ sung quy hoạch xây dựng về ANMT trong kế hoạch của Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ 2016-2020; đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý Nhà nước về ANMT. Nếu làm được như vậy, về mặt chiến lược, theo chúng tôi là đã thực hiện được điều kiện cần để đảm bảo ANMT cho đất nước”, chuyên gia từ VACNE đề xuất.

Báo cáo Hệ sinh thái Thiên niên kỷ xác định 6 chỉ báo ANMT toàn cầu, gồm: Suy giảm sinh học và tuyệt chủng có quy mô lớn nhất trên Trái đất; vùng biển đánh bắt cá toàn cầu đang bị đe dọa do khai thác cạn kiệt hoặc môi trường sống bị hủy hoại; đất đai nhiều vùng bị thoái hóa do xói mòn, ô nhiễm hay sa mạc hóa; biến đổi khí hậu và suy giảm tầng ozon; cạn kiệt và ô nhiễm các nguồn nước ngọt; sự biến đổi các chu trình sinh - địa hóa cơ bản.

Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm