Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bão kết hợp không khí lạnh sẽ gây ra mưa lũ nhiều hơn bình thường vào cuối năm nay

Thái Hải

Thứ năm, 16/06/2022 - 23:29

(Thanh tra)- Đó là nhận định của ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại Hội thảo Cập nhật thông tin dự báo xa về xu thế thiên tai, mưa, lũ, bão trong thời gian tới, diễn ra vào ngày 16/6.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Thời gian tới mưa lũ sẽ diễn biến rất phức tạp, gia tăng cường độ và tần suất, đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cùng người dân các địa phương chủ động ứng phó, giảm, tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Báo cáo tình hình thiên tai từ tháng 7 đến cuối năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, trong tháng 7 tới vẫn còn rải rác các đợt nắng nóng ở miền Bắc với nhiệt độ cao nhất khoảng 37°C và có thể lên tới 39°C tại miền Trung. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến 11 năm nay, không khí lạnh sẽ đến sớm. Nhiệt độ trong tháng 11 năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm.

Theo ông Lâm, năm nay, bão sẽ kết hợp không khí lạnh, gây ra mưa lũ nhiều hơn bình thường. Từ các mô hình, dữ liệu quan trắc cho thấy, từ tháng 10 đến 11 và có thể kéo dài sang tháng 12, mưa lũ xuất hiện dồn dập với tần suất, cường độ "báo động đỏ" ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Các mô hình dự báo của thế giới hiện nay đều đang điều chỉnh theo xu hướng tăng số lượng bão so với thông tin đưa ra hồi tháng 3/2022.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đã điều chỉnh từ mức độ bão "thấp hơn" sang "xấp xỉ" so với trung bình nhiều năm. Dự báo năm nay, mùa mưa bão sẽ tương đương năm 2011.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thông thường, chu kỳ của ENSO chỉ là 2 năm, sau đó sẽ quay sang trạng thái trung tính. "Đến nay, La Nina đã hoạt động 3 năm rồi. Đây là hiện tượng ít gặp", ông Lâm cho biết.

Còn theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mặc dù không có nhà khoa học nào có thể nói chính xác trước 4 tháng về chỉ số mưa là bao nhiêu, nhưng đến nay, mưa lũ dồn dập vào tháng 11/2022 có xác suất tới 65 - 75%.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, năm nay thời tiết tương đối phức tạp, dồn dập vào cuối năm và tái diễn những hiện tượng của các năm trước. Do đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng nên mưa lũ sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.

Các đợt mưa lũ vừa qua ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Yên... cũng chưa phải là kỷ lục vì rất may mưa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thêm 1 - 2 tiếng đồng hồ nữa thì sẽ ngập rất nặng.

Ông Mai Văn Khiêm bổ sung, hiện Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang vận hành hệ thống quan trắc và dự báo thời gian thực về các cơn dông, nguy cơ mưa ngập lụt ở Hà Nội, với thông tin đưa ra trước khoảng 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ để người dân chủ động nắm bắt.

Đây là dự án do Chính phủ Bỉ tài trợ trong thời gian từ năm 2021 - 2024. Dự án gồm hai phần: Một là theo dõi, cập nhật cứ 15 phút một lần và cảnh báo các cơn dông gây ra mưa, dông, lốc, sét ở trên trời; hai là tự động tính toán từ các mô hình bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa ra cảnh báo các khu vực, cung đường nào sẽ có nguy cơ ngập lụt trong cơn mưa này. Đồng thời, thông tin cảnh báo sẽ được tự động gửi cho người dân qua tin nhắn trên điện thoại.

Tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết thêm, mô hình quan trắc và cảnh báo mưa, dông, lốc tự động bằng AI đang được Tổng cục Khí tượng Thủy văn mở rộng ra quy mô cả nước, dựa trên cơ sở hệ thống 10 radar hiện đại do Chính phủ Nhật Bản và Phần Lan hỗ trợ, cùng với hệ thống radar cũ được nâng cấp.

Bên cạnh đó, chúng ta còn sử dụng 18 trạm định vị sét để quan trắc. Các thiết bị này đã được giao cho 10 đài khí tượng cao không để vận hành.

Ông Thái cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tại những địa phương có tỷ lệ dông sét cao như Hà Giang, Quảng Ninh... cần phải có bản đồ dông, sét.

"Trên tinh thần đưa ra thông tin cảnh báo trước 30 phút cũng có thể cứu được một mạng người, chúng tôi đã gửi ngay các bản tin cho ban chỉ huy tại các địa phương để hướng dẫn người dân phòng tránh", ông Trần Hồng Thái nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hoàng Nam

15:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm