Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 2: “Cổ ngắn không kêu đến trời”

Thứ ba, 21/07/2020 - 08:31

(Thanh tra)- Theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, trên sông Dinh hiện nay có 32 mỏ cát được cấp phép khai thác. Trong đó có 16 giấy phép còn hiệu lực. Các mỏ cát này luôn là sự bức xúc khiến người dân phải kêu cứu khắp nơi. Cho dù người dân bức xúc, kêu cứu nhưng các mỏ cát vẫn vô tư hoạt động. Người dân chỉ biết than thở: “Cổ ngắn không kêu đến trời”.

Mỏ cát tại thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn đang khai thác. Đây là nơi mà người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có “hồi âm”. Ảnh: Khoa Lê

Người dân thôn Phú Thủy cho biết, mỏ cát tại khu vực thôn, được cấp phép đã nhiều năm nay. Hoạt động của mỏ cát không hề tuân theo nguyên tắc mà pháp luật quy định. Khó có thể đo đếm khối lượng cát đã hút lên, và cũng khó để biết được, đâu là ranh giới thật sự mà doanh nghiệp được phép khai thác cát.

Ông Bùi Đức Sơn, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hằng năm cứ mưa xuống là đất sản xuất của bà con bị cào đi hết, tạo thành những lỗ, hang hóc. Từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi có 5 sào (5.000m2) đất không thể sản xuất được nữa. Chúng tôi là người dân “cổ ngắn không kêu nổi đến trời"”.

Ông Thới Khanh, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn bức xúc nói: “Lòng sông Dinh nếu để múc cát sâu chừng nào thì nước từ đầu nguồn đổ về là cuốn đất đi hết và tính mạng bà con làm bên sông đi qua, đi lại rất nguy hiểm. Đò đi thì lật đò, xe bò đi cũng sẽ bị cuốn trôi. Gia đình tôi có 2ha đất thì bị mất hết 1ha”.

Còn ông Thới Trưởng, thôn Phú Thủy cho biết: “Không chỉ gia đình tôi bức xúc mà cả bà con trong thôn đều bức xúc trước tình trạng khai thác cát. Chúng tôi kêu mãi chẳng thấu đành phải chịu…”.

Người dân thôn Phú Thủy chỉ biết đứng nhìn mỏ cát hoạt động. Ảnh: Khoa Lê

Rời thôn Phú Thủy, chúng tôi đến thôn Phước Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Tại đây có một mỏ đang khai thác cát khiến nhiều người dân cũng bức xúc.

Ông Trần Văn Thinh, thôn Phước Lợi cho biết: “Lúc trước công ty khai thác cát có nói sẽ không múc cát gần khu vực đất sản xuất. Nhưng, khi vắng mặt người dân thì vẫn múc cát gần đất sản xuất. Mấy lần địa phương có họp, lấy ý kiến chung của dân và đa số người dân không đồng ý cho khai thác cát. Nhưng kiến nghị thì kiến nghị, vẫn thấy công ty khai thác. Trong 3 tháng nay, chúng tôi không thấy khai thác nữa".

Còn ông Trần Thanh Lâm, thôn Phước Lợi nói: “Bây giờ dưới lòng sông rất sâu. Không dám cho trẻ em ra gần mép bờ sông. Có một đợt khi mỏ cát mới khai thác đầu tiên cách đây 3 hoặc 5 năm, có 3 em ra sông chơi không may bị hụt chân dưới những hố sâu dẫn đến tử vong”.

Ông Thới Trưởng, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, buồn bã kể lại: Hai đứa con tôi cùng một đứa cháu, 2 năm trước đi xe bò qua sông thì bị nước cuốn trôi. Do bị hụt chân dưới các hố sâu của mỏ cát đang khai thác nên hai con và cháu không kịp xử lý nên đã tử vong".

Một đoạn bờ sông Dinh bị sạt lở. Ảnh: Khoa Lê

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Phú Thủy, vợ ông Thới Trưởng rưng rưng nước mắt nói: “Chuyện đau xót không biết chừng nào cho nguôi được”. Hai năm, sau tai nạn khủng khiếp xảy ra, bà vẫn luôn nhớ về con và đứa cháu đã khuất.

Còn ông Ngô Thanh Minh, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, bức xúc nói: “Kể từ khi Công ty Sơn Long Thuận đến đây khai thác cát, bà con chúng tôi thấy sự thiệt hại rất nhiều. Trước kia, con cháu, người lớn đi qua lại 2 bên bờ sông rất dễ dàng mà không bị gặp sự cố gì. Nhưng khi khai thác cát thì lại xảy ra khá nhiều chuyện, khi các em học sinh tan học không biết ra sông tắm bị sụp hố tử vong, người dân vào ban đêm từ bên sông lội về nhà cũng bị sụp hố tử vong.

Trước kia, huyện có nói sẽ làm cầu treo để bà con đi, tôi đã lên tiếng, bà con chúng tôi không cần cầu treo. Khi Sơn Long Thuận còn khai thác cát thì cho cầu sẽ còn đi. Nhưng khi Công ty Sơn Long Thuận không còn khai thác nữa thì sông hỏng, cầu hư bà con chúng tôi cũng không làm được gì. Nên bà con mong muốn trả lại dòng sông, chấm dứt việc khai thác có như vậy chúng tôi mới dễ sinh sống. Nếu không giải quyết sớm thì một vài năm nữa con sông này sẽ hư luôn”.

Bài 3: Ai sẽ giúp dân?

 CTV Khoa Lê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm