Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đột phá đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp

Hoàng Nam

Thứ hai, 10/02/2025 - 10:46

(Thanh tra) - Ngày 24/1/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký ban hành Quyết định số 480/QĐ-BNN-KHCN về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Kế hoạch). Qua đó, đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và phân công cho từng đơn vị tổ chức thực hiện.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp người nông dân kiểm soát được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Ảnh: MIC

Kế hoạch đã đặt ra các mục tiêu là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xác định nhiệm vụ cụ thể, thời hạn, sản phẩm đạt được, gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Con người là trung tâm của đột phá, đổi mới sáng tạo

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần phải tập trung nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn ngành nông nghiệp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu bố trí tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị nhà nước, hướng tới tối thiểu đạt 25%.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, những nhân tài đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Bộ, của đất nước cần phải được trọng dụng và tạo môi trường phát triển. Các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển công nghệ chiến lược cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục; tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.

Song song với đó là phải đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển mô hình giáo dục đại học số kết hợp ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, không gian ảo.

Xóa bỏ mọi rào cản cho sự phát triển

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho rằng, bên cạnh sự thay đổi, đột phá tư duy, chuyển biến trong hàng ngũ lãnh đạo, người đứng đầu, cần khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế. Phải xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Rà soát, kịp thời đề xuất nội dung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ sau hợp nhất để đảm bảo thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư và hoàn thiện. Xây dựng, triển khai Chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số với các mục tiêu được lượng hóa cụ thể; giao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, định kỳ đo lường, công bố công khai kết quả; triển khai các sáng kiến mở dữ liệu để người dân, doanh nghiệp khai thác, tạo giá trị mới, đổi mới sáng tạo.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tất yếu. Ảnh: Mard

Hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Theo Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các hoạt động. Từng bước nâng cao hiệu quả quản trị ngành, lĩnh vực, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Quá trình số hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa, làm chủ công nghệ cao dựa trên công nghệ số sẽ giúp các cấp, các ngành chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử.

Bên cạnh việc chủ động phát huy các nguồn lực trong nước, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tập đoàn đa quốc gia có trình độ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phát triển, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… để học tập kinh nghiệm quốc tế, kịp thời ứng dụng các thành tựu, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn và điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Các phương thức ngoại giao công nghệ phù hợp, linh hoạt góp phần thu hút các nguồn lực bên ngoài, đảm bảo an ninh kinh tế, nâng cao tự chủ về công nghệ; Quá trình đàm phán, ký kết và thiết lập đối tác chiến lược với các tổ chức quốc tế sẽ giúp huy động nguồn lực tài chính và công nghệ cho các chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, đặc biệt là trong phát triển các giải pháp quản trị chuỗi cung ứng nông sản và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm