Những hoá đơn chiết khấu lên đến 55%

Những ngày đầu tháng 7/2023, chị Ngọc, chủ một hộ kinh doanh chuyên bán các mặt hàng về sách, vở, văn phòng phẩm tại thành phố Vinh lâm cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên” khi doanh thu của cửa hàng mình giảm mạnh, dù đang là mùa cao điểm để bán sách bài tập, sách tham khảo cho các em học sinh bắt đầu ôn tập hè.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Ngọc cho biết, kinh doanh cửa hàng từ khá lâu, nên lượng khách ổn định, tệp khách hàng có cả mua sỉ và mua lẻ. Trong đó, vào khoảng cuối tháng 6 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm dòng sách về đề kiểm tra, sách tham khảo được nhiều phụ huynh lựa chọn để cho các con ôn tập hè.

Theo chị Ngọc, những năm trước, cửa hàng vẫn hay nhập những loại sách này ở nhà sách Yến Công, với chiết khấu lên đến 54%. Tuy nhiên, đa phần những đơn hàng này không có hoá đơn, chứng từ, do vậy thời gian gần đây chị Ngọc không nhập hàng của nhà sách Yến Công nữa vì ngại việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Việc lựa chọn những đơn vị phát hành sách có đầy đủ giấy tờ, đồng nghĩa với việc chiết khấu được nhận thấp hơn rất nhiều so với nhà sách Yến Công. Điều này dẫn đến giá bán cho khách hàng của mình cũng sẽ cao hơn. Dần dần chị bị khách hàng quay lưng vì bán đắt.

“Thường thì bán cho khách lẻ, tôi sẽ bán theo giá bìa, còn bán buôn thì sẽ chiết khấu theo số lượng, loại sách. Thế nhưng nhà sách Yến Công đôi lúc 2 bộ, 5 bộ được cũng chiết khấu đến vài chục %, thành ra khách không mua của mình nữa, vì thế thu nhập của cửa hàng giảm khoảng 30% trong tháng này”, chị Ngọc nói.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Khách hàng mua sách chiết khấu lên đến 54% tại nhà sách Yến Công. Ảnh: NVCC 

Trong khi đó, chị Huệ - giám đốc một doanh nghiệp phát hành sách trên địa bàn Nghệ An cũng đang đau đầu khi doanh thu giảm vì không thể cạnh tranh về giá với dòng sách bài tập, đề kiểm tra hay sách tham khảo với nhà sách Yến Công.

Việc nhà sách Yến Công bán sách với chính sách chiết khấu lên đến 54 - 55% khiến cho các đơn vị kinh doanh cùng ngành không thể cạnh tranh nổi. Không chỉ vậy, tại nhà sách Yến Công, mức chiết khấu cho các dòng sách giáo khoa, sách bổ trợ đi theo sách giáo khoa, sách tiếng Anh thường xuyên cao hơn thị trường 1% -2%.

Bên cạnh đó, chị Huệ nêu quan điểm, việc nhà sách Yến Công bán sách với chính sách chiết khấu lên đến 54% - 55% và việc các đơn hàng này không có hoá đơn, chứng từ cũng làm dấy nên nghi vấn về việc nguồn gốc của sách, nghĩa vụ về thuế Nhà nước của nhà sách Yến Công trong những năm qua?

Hé mở về nhà sách Yến Công

Dữ liệu của Báo Thanh tra cho thấy, nhà sách Yến Công (hộ kinh doanh) có địa chỉ tại số 259 Lê Duẩn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Nhà sách Yến Công gắn liền với tên tuổi của nữ doanh nhân Hoàng Thị Yến.

Tại Nghệ An, nhà sách Yến Công là đơn vị cung cấp các mặt hàng liên quan đến sách, vở, sách bài tập, sách tham khảo.. có tiếng và lâu đời. Tuy nhiên, vào năm 2022, nhà sách Yến Công đã bị cơ quan chức năng “điểm mặt” trong việc mua sách giả của Cao Minh Thuận - Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát (mã số thuế 0105741566, địa chỉ tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Cụ thể, liên quan đến nhà sách Yến Công, bà Đoàn Thị Thường đã đứng ra giao dịch, đặt mua 66.294 quyển sách giả của NXB Giáo dục và các NXB khác với bà Cao Minh Thuận, tương đương giá bìa hơn 2,2 tỷ đồng, giá chiết khấu 998 triệu đồng (tương ứng khoảng 45%).

Ngoài cửa hàng tại số 259 Lê Duẩn, thành phố Vinh, nhà sách Yến Công còn kho hàng tại số BT315, đường số 9, khối Tân Phúc, thành phố Vinh. Đây cũng là địa chỉ đăng ký trụ sở chính của Công ty Cổ phần Sách và Phát triển Giáo dục Nghệ An (Công ty Giáo dục Nghệ An) mà Báo Thanh tra mới đây đã phản ảnh về việc dù được một cơ quan chuyên ngành về giáo dục của địa phương yêu cầu một số đơn vị trong ngành “tạo điều kiện thuận lợi” cho Công ty cung cấp sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục thuộc bộ sách Cánh Diều trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, Công ty Giáo dục Nghệ An vẫn thua lỗ triền miên tới mức “bay” hơn nửa vốn góp của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, công ty còn nợ như chúa chổm khi 1 đồng vốn “gánh” tới 133 đồng nợ.

(Tên nhân vật phỏng vấn đã được thay đổi)

 

 

Quang Dân - Xuân Hiếu