Đó là nhận định của các chuyên gia chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hiền Phương - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Telecom, thực tế nhiều doanh nghiệp Việt, người dùng vẫn khá mơ hồ về khái niệm và chưa muốn chuyển đổi số, mặc dù chuyển đổi số mang lại lợi ích lớn, giúp giảm 70% chi phí và tăng gần 50% hiệu quả làm việc.

Khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát coi chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết, nhưng còn lạ lẫm và chưa biết bắt đầu từ đâu.

Vì sao cần chuyển đổi số, và bài học cay đắng!

Trò chuyện với PV Báo Thanh tra về câu chuyện chuyển đổi số, anh N.V.M., chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu cá hồi, cung cấp cho các siêu thị và nhà hàng, hỏi chuyển đổi số là gì, vì sao phải chuyển đổi số, “trong khi doanh nghiệp của tôi vẫn bán hàng tốt, vẫn quản lý bằng máy tính”, anh M. nói.

Chị N.H.A., kế toán trưởng của một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cũng hỏi, chuyển đổi số là gì, và chị H. cũng cho biết, phần mềm kế toán công ty sử dụng từ 2015 đến nay là phần mềm 4.0 rồi.

Vấn đề doanh nghiệp Việt chuyển đổi số, ông Cao Trung Hiếu - sáng lập và điều hành Dân Trí Soft cho biết, chuyển đổi số là thuật ngữ mới, nhiều doanh nghiệp Việt đã ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả trong công việc, tăng doanh thu nhưng lại chưa hiểu thuật ngữ đó là gì. Thực ra, họ đã ứng dụng chuyển đổi số rồi, vì bản chất của chuyển đổi số là chuyển lao động chân tay qua máy móc bằng cách dùng công nghệ. “Tuy nhiên, họ ứng dụng chuyển đổi ở cấp độ nào trong 5 cấp độ. Và có kết quả tối ưu chưa, đây mới là điều quan trọng”, ông Hiếu nhấn mạnh và cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt mới ở cấp độ 2.

Doanh nghiệp cần nhìn lại xem đã ứng dụng công nghệ phù hợp, và tốt nhất cho doanh nghiệp mình hay chưa, đâu là quy trình “lỗi thời” cần thay đổi?

“Không chỉ doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay siêu nhỏ cũng cần chuyển đổi số, vấn đề là, doanh nghiệp cần nhận thức phải thay đổi, để cạnh tranh, nhưng nếu để đến lúc phải ép thay đổi thì thị phần sẽ không còn nhiều, lúc đó có thể mình đã tự đào thải mình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cho rằng, hiện nay Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Họ chỉ cần phần mềm quản lý chặt chẽ hơn, từ đó tích kiệm chi phí, năng xuất sẽ tăng. Ông Hiếu ví dụ: Một quán cà phê trước đây có 6 nhân viên khâu phục vụ bàn, nếu ứng dụng chuyển đổi số thì chỉ cần 1 - 2 nhân viên, mỗi nhân viên đều có điện thoại thông minh, không cần giấy, bút, và chủ cửa hàng quản lý cũng rất tiện, không cần gặp nhân viên hỏi về số liệu, vì tất cả đã có hết trên phần mềm.

Thực tế đã có những doanh nghiệp Việt đã phải cay đắng vì thay đổi chậm, chuyển đổi số chậm, như “Vinasun hay Mai Linh, thời kỳ hoàng kim lãi lớn, chúng tôi đã gặp chủ hai công ty này khuyên họ cần phải chuyển đổi số, nhưng lúc đó họ chưa nhận thức ra, nên không chịu bỏ tiền để chuyển đổi số. Đến giờ họ thay đổi, thì Grab đã chiếm thị phần lớn rồi, đó là sai lầm mà hôm nay họ phải trả giá”, ông Hiếu kể.

Ông Hiếu cũng ví dụ thêm về doanh nghiệp tự đào thải vì không chịu chuyển đổi số, đó là siêu thị Minh Quân, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cách đây 10 năm họ vẫn dùng phần mềm quản lý, thủ công, lạc hậu, nên khi kiểm kê kho trị giá chục tỷ đồng, mà mất tới 4 ngày mới xong, và họ cũng không nhận ra cần thay đổi, vì khi đó không có ai cạnh tranh. Cũng thời điểm đó, siêu thị Điện Máy Xanh xuất hiện ở đây, hai năm sau siêu thị Minh Quân sau không còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu nữa.

Làm sao doanh nghiệp mua được phần mềm phù hợp?

Vì vậy, “chuyển đổi số đối với doanh nghiệp không còn là thích hay không thích, cần hay không cần, nên hay không nên mà đó là bắt buộc vì chuyển đổi số là xu hướng dòng chảy của kinh doanh toàn cầu. Ai chuyển đổi số trước sẽ có nhiều thuận lợi hơn những ai chuyển đổi số sau. Những doanh nghiệp cá nhân chuyển đổi chậm trễ sau cùng, sẽ còn rất ít cơ hội thị trường, có khi chẳng còn đất để phát triển, khi các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đã tận dụng thời cơ để vượt lên”, ông Vũ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Dr SME nhận định.

Tuy nhiên, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu? Làm sao để mua được phần mềm phù hợp, làm sao gặp được công ty tư vấn đúng? Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn.

Trả lời câu hỏi này của Báo Thanh tra, ông Tuấn Anh cho rằng, trước tiên lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận ra cần thay đổi, doanh nghiệp cần có đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn này phải là độc lập, họ không bán phần mềm, nếu không họ sẽ định hướng sử dụng phần mềm của họ. “Như Công ty Cổ phần FPT (FPT) cũng có bộ phận tư vấn, tuy nhiên nếu gặp FPT thì họ không bao giờ tư vấn sử dụng phần mềm của đơn vị khác, vì chính họ cũng đang bán phần mềm”, ông Tuấn Anh ví dụ.

Bên cạnh đó, ông Cao Trung Hiếu cho rằng, quan trọng nhất là mua được phần mềm phù hợp với quy mô, đặc thù của doanh nghiệp, chứ không nhất thiết phải mua phần mềm hoành tráng, và thực tế rất nhiều doanh nghiệp thất bại vì mua nhầm phần mềm.

Còn theo ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Thư ký Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA), nhiều đơn vị cũng hỏi chúng tôi, muốn chuyển đổi số phải làm thế nào, họ cho rằng chọn phần mềm là bài toán khó, vì đơn vị bán phần mềm nào đến tiếp thị cũng nói là hay. “Vì những băn khoăn của nhiều đơn vị, HCA đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến việc làm TP Hồ Chí Minh cùng làm showroom Trải nghiệm và hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Tuấn nói, và nêu cụ thể: “Ở đó, chúng tôi sẽ tập hợp những doanh nghiệp IT (công nghệ thông tin) đến, mỗi một chủ đề, cho một mảng ngành, và một lớp doanh nghiệp nhất định, doanh nghiệp vừa làm riêng, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm riêng, và doanh nghiệp lớn thì có chuyên gia tư vấn, giống như bác sĩ bắt mạch kê đơn, còn nhỏ cài app được thì cài luôn, kể cả những hộ tiểu thương trong các chợ chúng tôi cũng sẽ đào tạo để ứng dụng phần mềm”.

“Hiện nay chúng tôi đang làm, và dự tính giữa năm chúng tôi sẽ ra mắt showroom này. Showroom là để giải quyết bài toán, làm sao cho doanh nghiệp tìm được giải pháp phù hợp nhất, chứ không phải giải pháp hay nhất”, ông Anh Tuấn thông tin.

Nghiêm Lan