Nghị định có một số điểm mới, như:

Về việc khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân:

Tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126 quy định: “c) Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho cá nhân hợp tác kinh doanh. Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.

Về khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán:

- Tại điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126 quy định:

d) Tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn. Cụ thể như sau:

d.1) Đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại…

Như vậy, Nghị định số 126 quy định chỉ thay đổi chủ thể khai, và nộp thuế TNCN (từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn), cụ thể: thay vì cá nhân tự khai thì quy định tổ chức có trách nhiệm khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán, cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn.

Về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 3 quý:

Luật Quản lý thuế số 38 có quy định đối với thuế TNDN, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp theo quý và quyết toán thuế theo năm.

Nghị định số 126 sửa đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý, cụ thể tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126 quy định: “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách Nhà nước.

Về phân bổ nghĩa vụ thuế đối với trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính nhưng có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính:

+ Khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.

+ Để đảm bảo cơ sở cho việc thực hiện phân bổ nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 3 Điêu 42 Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 126 quy định về khai thuế trong trường hợp này như sau: Người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước (Khoản 2 Điều 11). Tuy nhiên, Nghị định số 126 có quy định nội dung khai thuế này sẽ được thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành (khoản 3 Điều 43).

Về trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế và khấu trừ nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam:

Luật Quản lý thuế số 38 (khoản 2, khoản 3 Điều 27) có quy định về trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Căn cứ theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126 (Khoản 2, Khoản 3 Điều 30) có quy định:

2. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế ….:

…             

3. Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài)….:”

Ngoài ra, ngày 27/9/2019, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 137/TTr-BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giải pháp cơ cấu lại nguồn thu Ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở phê duyệt của lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 11001/VPCP-KTTH ngày 2/12/2019 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Tài chính: “Phê duyệt, tổ chức thực hiện ngay các giải pháp liên quan đến công tác hành thu tại Đề án theo chức năng, thẩm quyền và quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-BTC ngày 28/2/2020 để tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 như: xây dựng các Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; xây dựng quy trình đăng ký thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số; xây dựng cơ chế đơn giản hoá tuân thủ kê khai xác định giá giao dịch liên kết, phù hợp với cơ chế quản lý theo rủi ro; tiếp tục thực hiện giải pháp chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh... Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hóa đơn, chứng từ; giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế, chống chuyển lợi nhuận, ngăn ngừa trốn, tránh thuế.

 

 

Như Ca