Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kinh tế khu vực ĐBSCL
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng với khu vực ĐBSCL luôn được xác định là quan trọng vì xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản, trái cây… là nguồn thu ngoại tệ lớn của khu vực này và cả nước. Ngân hàng cũng xác định đây là vùng quan trọng.
Dù thế, tình hình kinh tế khu vực và Việt Nam vẫn có những khó khăn. Bên cạnh đó là vấn đề tăng trưởng tín dụng, đến 31/8 mới đạt 5,56%, đạt hơn một nửa so với tháng 8 năm ngoái.
"Chưa ai đánh giá thời điểm nào khó khăn tác động đến nền kinh tế, khó khăn nội tại của chúng ta được giải quyết" và "chúng ta vừa phải đối phó khó khăn đã đến và luôn sẵn sàng đối phó khó khăn sẵn đến", ông Tú nói.
Tại sự kiện, lãnh đạo NHNN dẫn ví dụ về một doanh nghiệp thủy sản lớn là Tập đoàn Minh Phú, để minh chứng cho việc doanh nghiệp hiện khó trong tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu, đơn hàng, tiêu thụ trong nước vì nhu cầu tiêu dùng cả thế giới gần như giảm.
“Minh Phú là tập đoàn tôm lớn có hai mươi mấy cơ sở sản xuất kinh doanh, có lúc rất phát triển làm ăn tốt nhưng khó khăn, xuất sang nước bạn mà bên đó cũng không tiêu thụ được, không hủy hợp đồng nhưng nhờ doanh nghiệp "bảo quản hộ", phụ thuộc nhiều. Khó khăn đó là khó khăn những năm trước đã có, hiện tại vẫn đang diễn ra. Doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn", ông nói.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, NHNN đã có văn bản hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình Tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình 2 và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
Dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng
Kết quả, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%).
Tuy nhiên, theo bà Giang, có một thực tế cần nhìn nhận rằng việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.
Theo đó, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi các đợt nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa lũ, sạt lở đất.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng.
Bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, gia tăng áp lực lạm phát, tỷ giá, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào, xăng dầu leo thang; cầu tiêu dùng thế giới giảm, thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp; thị trường mới thiếu ổn định gây khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công.
Từ tình hình thực tế nêu trên, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của khu vực ĐBSCL, bà Giang cho rằng, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.
Theo đó, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).
Cần xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư; hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.