Chương trình hợp tác nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nhân nữ, các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ….

Sau khi văn bản được ký kết, căn cứ nội dung phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên, Bộ KH&ĐT và Hội LHPN Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện, chỉ đạo theo ngành dọc triển khai Chương trình phối hợp đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích đề ra.

Hai cơ quan sẽ cùng nhau xây dựng, đề xuất các chính sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã, các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở KH&ĐT các tỉnh/thành phố triển khai hiệu quả chương trình hợp tác.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng, hợp tác chặt chẽ và nỗ lực không ngừng của hai bên, chúng ta sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những bước đột phá mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, mang lại những giá trị thiết thực cho kinh tế đất nước và cộng đồng, xã hội”, Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.

Năm 2017, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó lần đầu tiên thể chế hoá khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ với nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nữ về tư vấn, đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia chuỗi liên kết.

Bộ KH&ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã năm 2023 trong đó đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, bổ sung quy định các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có phụ nữ quản lý là đối tượng ưu tiên thụ hưởng các chính sách của Luật.

Ngày 9/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66 về Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ, đồng thời giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ.

Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” đã được Trung ương Hội chỉ đạo các Hội LHPN ở địa phương triển khai tích cực, kịp thời hỗ trợ, lan tỏa nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó, nghiên cứu ra các sản phẩm, mô hình kinh doanh sáng tạo, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào phụ nữ, trẻ em gái tại các vùng dân tộc thiểu số, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình, đóng góp cho xã hội.


T.Lương