Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Chính trị đã thống nhất chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thay vào đó sẽ tăng lương cơ sở đồng đều cho tất cả cán bộ, công chức từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1/7.

“Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, lớn, rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... của khu vực công và trên 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở. Vì vậy, khi thực hiện phải đảm bảo thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu làm đến đó, không nóng vội. Nếu nóng vội sẽ rất nguy hiểm vì liên quan đến đời sống trong khu vực công, khu vực doanh nghiệp, các đối tượng liên quan phụ cấp, trợ cấp gắn với lương cơ sở”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, từ tháng 12/2023 đến nay, Thủ tướng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã có 21 cuộc họp, không kể thứ bảy hay đêm hôm để cân nhắc kỹ lưỡng. Quan điểm phải đảm bảo hài hòa, tương quan giữa các đối tượng và công bằng, bình đẳng, ai cũng như nhau. Đồng thời, làm từng bước, theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đấy, khó khăn, bất cập phải nghiên cứu, nếu chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ trưởng cho biết, khi cải cách tiền lương phải tăng lương và nếu cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa gì nữa. Do đó, phải bám sát Nghị quyết 27 nghiên cứu, đưa ra phương án phù hợp, để tất cả các đối tượng liên quan phải được tăng lương. Và thống nhất nguyên tắc tăng đều cho các đối tượng 30% trên cơ sở tổng quỹ tính toán thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 tăng bình quân của cán bộ, công chức, viên chức là tăng 30,6%. “Tăng như vậy tất cả sẽ cùng vui, hưởng như nhau", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: LP

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương từ 1/7. Do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Nếu thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công thì mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%, không bao gồm tiền thưởng. Dựa vào đó, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%). Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.

Khi xây dựng bảng lương chức vụ chức danh lãnh đạo phát sinh mấy vấn đề như bãi bỏ lương cơ sở với chức vụ chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức thì tương quan giữa các đối tượng chưa đảm bảo. Công chức tăng rất thấp, trong khi đây là đối tượng tham mưu chiến lược, viên chức tăng khoảng 50%. Nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng nhiều đối tượng lại tăng rất thấp, rất nhiều đối tượng thấp hơn lương hiện hưởng dẫn tới nhiều bất cập.

"Trước tình hình như vậy, buộc chúng ta chọn phương án tối ưu, hợp lý, công bằng, hiệu quả đó chính là điều chỉnh tăng đều 30%, trên cơ sở giữ mức lương cơ sở. Việc này không tác động và ảnh hưởng tới quy định của Đảng và văn bản quy định của Nhà nước gắn với lương cơ sở", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% từ 1/7. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng.

Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 1/7/2024.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội để thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 xong trong năm 2024 để các địa phương tập trung tổ chức đại hội đảng ở cơ sở vào năm 2025.

Kiên trì thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan, đơn vị và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, hoàn thiện mô hình chế độ công vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó tập trung hoàn thành 9 cơ sở dữ liệu chuyên ngành nội vụ…

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã trao bằng khen cho 10 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí đã có thành tích trong công tác tuyên truyền năm 2023.

Phương Hiếu