Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam
Thứ tư, 30/10/2024 - 16:40
(Thanh tra) - Sàn thương mại điện tử Temu xuất hiện tại Việt Nam với các chương trình quảng bá rầm rộ, đã tạo ra sự chú ý lớn khi thu hút đông đảo người dùng. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, hiện tại, Temu vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, vì thế, những tranh chấp phát sinh (nếu có) giữa người dùng tại Việt Nam và người bán có thể sẽ không được pháp luật Việt Nam bảo vệ đầy đủ.
Cùng một sản phẩm, Temu thổi giá sản phẩm lên cao chót vót, để tung chiêu giảm giá cực sâu (ảnh bên phải), người tiêu dùng dễ sập bẫy "mua hàng siêu khuyễn mãi ... giá cao". Ảnh chụp màn hình
Đẩy rủi ro về cho khách hàng?
Temu nhắm đến người dùng tại Việt Nam với những chính sách thu hút như giao hàng miễn phí cho tất cả các đơn hàng, hoàn tiền vì 30 ngày không giao hàng, hoàn tiền vì 15 ngày không cập nhật, giảm giá rất sâu, có những mặt hàng được quảng cáo là giảm lên đến 99%. Thế nhưng, thực tế có phải như vậy?
Theo tìm hiểu của phóng viên, Temu chưa hỗ trợ hình thức thanh toán khi nhận hàng tại Việt Nam. Muốn mua được hàng, người dùng phải thanh toán trước bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay và chưa hỗ trợ các ví điện tử phổ biến khác.
Trước hết, việc thanh toán theo phương thức này luôn tiềm ẩn những nguy cơ lộ, lọt thông tin, người dùng có thể đối mặt với nguy cơ bị hacker thu thập thông tin và chiếm đoạt tài khoản.
Khi mua sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hư hỏng do quá trình vận chuyển hoặc không đúng như mô tả, người dùng không thể không nhận vì đã thanh toán từ trước cho những người bán mãi bên kia biên giới.
Việc trả hàng, hoàn tiền cũng phải theo những quy định nghiêm ngặt và quyết định riêng của Temu. Đối với các mặt hàng hoàn trả, Temu sẽ xử lý hoàn tiền sau khi nhận được hàng và chúng vượt qua việc kiểm tra chất lượng. Nếu mặt hàng hoàn trả đã qua sử dụng, bị hư hỏng, thiếu bộ phận/phụ kiện hoặc bị hư hỏng do đóng gói không đúng cách trong quy trình trả hàng, số tiền hoàn sẽ bị giảm để bù vào phần giá trị bị mất.
Một điểm nữa là, Temu chỉ nhận trả hàng thông qua hệ thống Best Express, người dùng muốn trả lại hàng thì phải gửi lại người bán thông qua hệ thống này.
Như vậy, người dùng khi mua hàng trên Temu sẽ luôn trong tâm thế “cầm dao đằng lưỡi”.
Giá có thật là rẻ, giảm có thật là sâu?
Rất nhiều người tải ứng dụng Temu để mua hàng là do tâm lý muốn mua được hàng rẻ, sale sâu, nhưng thực tế, nhiều mặt hàng trên sàn giao dịch này lại lấy giá gốc ở mức trên trời, để tạo ra mức giảm giá sốc, đánh lừa người mua.
Đơn cử, sản phẩm giá đỡ cánh quạt cho drone được Temu định giá hơn 1,2 triệu đồng và áp dụng mức giảm đến 79%, nên giá bán thực tế người mua sẽ phải trả là hơn 247 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi tham khảo ở 1 sàn thương mại điện tử khác, với sản phẩm y hệt, mức giá của nhiều người bán chỉ dao động khoảng 150 nghìn đồng, sau khi giảm giá, người dùng chỉ cần trả chưa đến 100 nghìn để mua được sản phẩm.
Hoặc với bộ sạc du lịch 2500w, Temu niêm yết giá hơn 940 nghìn đồng, sau khi giảm giá 74%, người mua phải trả hơn 242 nghìn để có được sản phẩm. Trong khi đó, cũng chính sản phẩm này trên sàn shopee, mức giá niêm yết chỉ là 385 nghìn, sau khi giảm giá, người mua chỉ phải bỏ ra từ 207 đến hơn 300 nghìn đồng cho sản phẩm, tùy màu sắc.
Nếu người dùng chỉ lấy mức giá được giảm sâu của các sản phẩm để quyết định mua, mà không có sự so sánh giữa các nơi bán, sẽ rất dễ bị mắc bẫy chiêu trò thổi giá gốc để giảm giá ảo. Nhiều người dù sau đó đã biết mình “mua hớ” nhưng đành ngậm đắng, tưởng mua được giá rẻ mà hóa ra chẳng rẻ, vì đã thanh toán tiền trước mất rồi và đành chờ hàng chuyển về.
Thất thoát thuế, bóp nghẹt nền sản xuất trong nước
Mô hình kinh doanh của Temu cho phép người dùng mua hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc với giá thành rẻ, qua đó, tạo sức hút, cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử trong nước, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.
Thực tế, theo các nhà phân tích, giá rẻ ở trên các sàn thương mại điện tử như Temu không phải tất cả đều nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ hay quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà còn có thể xuất phát từ việc người bán đã “né” được nhiều loại thuế. Bên cạnh đó, việc giao dịch trực tiếp các mặt hàng giữa người sản xuất đến người tiêu dùng đã giúp giảm được rất nhiều chi phí chi phí trung gian và làm giảm giá bán sản phẩm.
Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Việc ban hành Quyết định số 78 là nhằm hỗ trợ giải tỏa hàng hóa khi thông quan và kiểm tra hải quan, khi đó vẫn thực hiện thủ công, chưa có sự hỗ trợ nhiều của công nghệ như ngày nay.
Nhưng giờ đây, khi mà chuyển đổi số đã được tiến hành sâu rộng, việc thông quan đã thuận lợi và nhanh hơn rất nhiều, việc bãi bỏ Quyết định số 78 là cần thiết, vì với những đơn hàng trị giá trên 1 triệu đồng, người bán sẵn sàng xé lẻ ra để tìm cách trốn thuế một cách hợp pháp. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bởi khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, các ngành sản xuất trong nước sẽ chịu tác động rất lớn; các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương và thua thiệt nhất.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hàng ngày có hàng triệu đơn hàng được giao dịch xuyên biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử, không chỉ các giao dịch trên Temu, mà các sàn thương mại điện tử khác, phần lớn trong đó là các giao dịch có giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với hiệu lực của Quyết định số 78, chúng ta đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử.
Hiện, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78 tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Khuyến khích phát triển thương mại điện tử là xu thế tất yếu, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp kịp thời, quyết liệt và đủ mạnh để kiểm soát, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch đối với sản xuất nội địa; đồng thời, khuyến khích người dân, phát huy tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sàn thương mại điện tử Temu xuất hiện tại Việt Nam với các chương trình quảng bá rầm rộ, đã tạo ra sự chú ý lớn khi thu hút đông đảo người dùng. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, hiện tại, Temu vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, vì thế, những tranh chấp phát sinh (nếu có) giữa người dùng tại Việt Nam và người bán có thể sẽ không được pháp luật Việt Nam bảo vệ đầy đủ.
Hoàng Nam
16:40 30/10/2024(Thanh tra) - Là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới thuộc tập đoàn PDD (Trung Quốc), Temu ra mắt lần đầu vào tháng 9/2022, và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Uyên Uyên
15:51 30/10/2024Uyên Uyên
11:16 29/10/2024Vân Trang
09:09 29/10/2024Phương Hiếu
19:53 28/10/2024Uyên Uyên
Hương Giang
Hải Hà
Thái Hải
Phạm Hưng
Hoàng Nam
Minh Quân
Kim Thành
Hương Giang
T.Thanh