Theo dõi Báo Thanh tra trên
Giang Sơn
Thứ tư, 16/04/2025 - 07:03
(Thanh tra) - Để duy trì mục tiêu xuất khẩu (XK) năm 2025, Việt Nam sẽ tích cực mở rộng thêm thị trường, kết nối giao thương, đẩy mạnh XK, quyết “không bàn lùi” trước khó khăn.
Trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới phức tạp, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trương xuyên suốt là đa dạng hóa thị trường, "trứng không bao giờ để chung một giỏ".
Mở rộng, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới còn nhiều dư địa (Ảnh minh họa)
Xuất khẩu nhiều gam màu sáng
Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất, nhập khẩu quý I/2025 vẫn đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động. Xuất, nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong 3 tháng đầu năm 2025 với tổng kim ngạch ước đạt khoảng 202,52 tỷ USD.
Trong đó, XK hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6%; nhập khẩu hàng hóa đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng XK tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động XK đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong 2 tháng đầu năm.
Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I vẫn giữ được gam màu sáng.
Đó là tốc độ tăng kim ngạch XK hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 15%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch XK 9% của khu vực đầu tư nước ngoài. Thương mại dịch vụ quốc tế quý I/2025 có nét khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước với tốc độ tăng XK dịch vụ đạt 21,7%, cao hơn 3,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng nhập khẩu dịch vụ...
Các chuyên gia cũng nhận định, nhìn chung, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công thương xây dựng, tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).
Dù vậy, bức tranh XK cũng được dự báo sẽ không còn tươi sáng trong quý II khi XK phải đối diện với khó khăn nếu Mỹ áp thuế đối ứng tới với hàng hóa của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê – Bộ Tài chính) khẳng định, việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu. Khi Mỹ áp thuế đối ứng, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường thay thế.
Vì vậy, kim ngạch XK các nhóm hàng như máy vi tính, điện tử và linh kiện, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… có thể suy giảm do phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm.
Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới sức tiêu dùng hàng hóa và từ đó ảnh hưởng đến XK của Việt Nam.
Để khơi thông xuất khẩu, cần đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường, tận dụng 17 hiệp định FTA đã ký kết hoặc hướng tới các thị trường mới (Ảnh minh họa).
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt
Trong 90 ngày sắp tới, hàng hóa Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 46% như dự kiến trước đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), doanh nghiệp XK cần tận dụng nhanh điều này.
Điều cần làm ngay là các doanh nghiệp phải thỏa thuận với các nhà nhập khẩu Mỹ cùng chia sẻ rủi ro, tranh thủ XK các đơn hàng đã ký kết. Với những hợp đồng chưa ký kết, hiện phía đối tác Mỹ cũng đang phân vân, tương lai như thế nào phụ thuộc vào đàm phán của Việt Nam với Mỹ.
Doanh nghiệp phải đặt ra các phương án cụ thể dự báo tình hình sau thời gian hoãn thuế, lên kế hoạch ứng phó mang tính dài hơi, không chỉ trông chờ vào việc Chính phủ đàm phán.
Ông Phương cũng cho rằng, bối cảnh hiện nay, việc đa dạng hóa thị trường XK cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh, mạnh hơn việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên năng suất lao động, khoa học - công nghệ, nhân lực trình độ cao… Việc này không thể tiến hành "ngày một ngày hai", nhưng buộc phải làm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại TPHCM cho rằng, doanh nghiệp phải có chiến lược thích ứng linh hoạt, bởi sự thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc đang tạo ra những thách thức đáng kể. Đồng thời, các biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, khiến dòng chảy hàng hóa trở nên khó đoán và làm gia tăng rủi ro đối với các doanh nghiệp XK của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới phức tạp, trước quan ngại về kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian này chúng ta chưa vội bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng XK, mà vẫn đang tìm các giải pháp để vượt qua những thách thức trước mắt và tìm kiếm cơ hội mới.
Về thị trường, ông Tân nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt là đa dạng hóa thị trường "trứng không bao giờ để chung một giỏ". Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường XK sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết thêm, việc phải chịu thuế đối ứng từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường XK, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi… nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn.
Do vậy, doanh nghiệp XK cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Bộ Công thương sẽ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về kết nối giao thương, xúc tiến XK.
Không chỉ Bộ Công thương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có biện pháp ứng phó với thuế quan của Mỹ lúc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng khẳng định Bộ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 27/04/2025, tại Hà Nội, Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2025-2030) kết hợp với Hội thảo Dinh dưỡng Tiết chế 2025 với chủ đề “Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư”. Chương trình có sự tham gia đồng hành của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).
Quỳnh Trang
(Thanh tra) - Liên quan đến các vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa được các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vừa qua, mới đây, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đã có những chia sẻ với các cơ quan báo chí về trách nhiệm cũng như quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường trong thực hiện nhiệm vụ.
T.Vân
PV
Giang Sơn
Vân Trang
Đan Quế - Hoàng Nam - T Giang
Ngọc Anh
Nhóm PV
Phương Anh
Minh Tân
Vinh Nghị
Thùy Dương
TL
P.V
Phúc Anh
Anh Quân