Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công ty môi giới tăng công suất làm việc để đưa người lao động ra nước ngoài

Bá Di

Thứ bảy, 09/04/2022 - 10:07

(Thanh tra) - 3 tháng đầu năm 2022, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Việt Nam đón nhận những tin vui từ các quốc gia quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, đi kèm theo đó là những yêu cầu cao hơn về chất lượng lao động. Điều này đòi hỏi các công ty môi giới XKLĐ phải tăng cường cả khâu đào tạo lẫn xử lý thủ tục.

Thị trường XKLĐ đầu năm 2022 tương đối ảm đạm. Ảnh: Internet

Năm 2022, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thế giới bước vào giai đoạn phục hồi. Từ năm 2021, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các quy định hạn chế nhập cảnh, mở cửa đón lao động Việt Nam quay trở lại.

Các nước châu Âu vẫn tiếp nhận lao động từ năm 2021. Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động làm việc trên tàu biển và tàu đánh cá từ tháng 5/2021. Hai thị trường được người lao động Việt Nam quan tâm là Đài Loan và Nhật Bản cũng đã mở cửa trở lại đầu năm nay, lần lượt ngày 15/2/2022 và 15/3/2022 với các điều kiện và quy định thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.455 lao động. Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam bao gồm Nhật Bản 612 lao động; Đài Loan (Trung Quốc) 439 lao động; Hàn Quốc 336 lao động; Singapore 331 lao động…

Riêng trong tháng 3, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.096 người, tương đương 2,72% kế hoạch của năm 2022. Con số này chỉ bằng 8,31% so với cùng kỳ năm ngoái, khi số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của quý I/2021 là hơn 29.500 người.

Trao đổi với Báo Thanh tra, một giám đốc công ty môi giới XKLĐ ở TP HCM cho biết: “Nhìn chung tình hình xuất ngoại của lao động Việt Nam đầu năm 2022 vẫn tương đối ảm đạm. Do tác động của dịch Covid-19 nên nhiều hồ sơ nhập cảnh bị đình trệ trong thời gian dài. Các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản tuy đã mở cửa nhưng các quy định về phòng chống dịch vẫn nghiêm ngặt, gây không ít khó khăn cho các lao động có nguyện vọng xuất ngoại”.

Nhìn nhận về thị trường phía Nam, vị giám đốc cho biết nhu cầu XKLĐ của người dân vẫn cao, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại khu vực này, chính quyền địa phương các năm gần đây đã có các chính sách hỗ trợ, vay vốn nhằm tạo điều kiện cho người lao động xuất ngoại.

Có thể kể đến, Long An xây dựng Đề án XKLĐ giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu mỗi năm đưa ít nhất 1.000 người lao động ra nước ngoài làm việc. Tiền Giang cũng phê duyệt đề án hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngân hàng tại Bến Tre có chủ trương cho vay đối với lao động ở khu vực nông thôn với mức vay tối đa 200 triệu đồng, không cần có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật...

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của chính quyền quốc gia và địa phương, một số thị trường quen thuộc cũng đã có các chủ trương mở cửa đón người lao động. Ví dụ, thị trường Hàn Quốc gia hạn thời gian cư trú cho lao động ngư nghiệp; Nhật Bản nâng số lượng người được phép nhập cảnh Nhật Bản lên khoảng 10.000 người/ngày từ ngày 10/4 tới đây.

Tuy nhiên, các quốc gia này cũng thắt chặt các quy định tuyển dụng. Xu thế mới cho thấy các thị trường cần nhiều lao động qua đào tạo, có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ đồng thời phải có ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

Một trong những thiếu sót của khu vực ĐBSCL là chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn yếu, tay nghề người lao động còn hạn chế và cần phải gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp, lao động - việc làm và XKLĐ để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội trong thời đại mới.

Bên cạnh những cơ hội mới vẫn còn những thách thức cho ngành XKLĐ phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Phía các công ty tư vấn xuất ngoại cũng đang phải tăng công suất hoạt động trong cả mảng đào tạo lẫn xử lý thủ tục nhằm đáp ứng được nhu cầu tìm việc làm nước ngoài của người lao động, đồng thời giữ vững uy tín với các đối tác quốc tế.

Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động trong nước ra nước ngoài lao động theo hợp đồng. Các doanh nghiệp môi giới tin tưởng vào các dữ liệu tính toán của cơ quan quản lý, lạc quan về sự phục hồi của ngành XKLĐ trong năm nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm