00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trái tim người lính biên cương

Hoàng Hiệp - Hà Phương

Thứ tư, 02/04/2025 - 13:05

(Thanh tra) - Hạnh phúc đối với Đại úy Đỗ Xuân Điềm không chỉ là khoảnh khắc sum vầy bên vợ con, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với biên cương Tổ quốc. Sống xa nhà hàng trăm cây số, hơn 9 năm gắn bó nơi biên giới Điện Biên, anh vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước, vừa là điểm tựa vững chắc của đồng bào dân tộc.

Gia đình nhỏ của người chiến sĩ biên giới. Ảnh: NVCC

Gia đình nhỏ, trách nhiệm lớn

Sinh ra trong thời bình, nhưng cả Đại úy Đỗ Xuân Điềm và vợ - chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng - đều thấm nhuần tinh thần yêu nước và ý chí phấn đấu vươn lên. Những năm tháng tuổi trẻ của anh gắn liền với nhiệm vụ trên tuyến biên giới xa xôi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nhưng chính trong thử thách ấy, sự thấu hiểu đã giúp anh và vợ hoàn thiện một gia đình hạnh phúc.

Sau nhiều lần hoãn cưới vì nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, đầu năm 2022, anh và chị Nguyễn Thị Ngọc chính thức về chung một nhà. Niềm hạnh phúc càng trọn vẹn khi cuối năm đó, đúng vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), con trai đầu lòng của họ chào đời. Thế nhưng, với một người lính Biên phòng công tác tại xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - cách nhà hơn 200km - việc ở bên vợ con trong những khoảnh khắc quan trọng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ngày vợ sinh con, anh không thể có mặt vì bận thực hiện nhiệm vụ. Thấu hiểu tính chất công việc của chồng và cũng là một cán bộ Đoàn, chị Ngọc luôn đồng cảm, sẻ chia và trở thành hậu phương vững chắc. Những cuộc gọi vội mỗi buổi tối hay lời động viên giản đơn đều tiếp thêm sức mạnh để Đại úy Điềm yên tâm công tác.

Chị Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Lấy chồng là bộ đội, tôi xác định trước những khó khăn sẽ gặp phải. Nhưng với tôi, sự thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc là điều quan trọng nhất. Như trong chương trình “Tháng ba biên giới” năm 2025, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã phối hợp cùng Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Mường Ảng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trao tặng 160 suất quà cho 45 em học sinh khuyết tật, 32 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 83 em mầm non, tiểu học tại điểm trường Na Cô Sa 1, xã Na Cô Sa. Tôi luôn tự hào vì có thể đồng hành cùng chồng, góp phần nhỏ bé vào công tác an sinh xã hội nơi biên cương”.

Với Đại úy Điềm, gia đình vừa là sự sum vầy vừa là sự đồng hành, sẻ chia trong cuộc sống. Anh quan niệm rằng một gia đình hạnh phúc không phải là gia đình không có mâu thuẫn, mà là gia đình biết lắng nghe, thấu hiểu và cùng nhau phát triển. Anh tâm sự: “Từ khi kết hôn đến nay, chúng tôi chưa bao giờ cãi vã. Mỗi khi có bất đồng, cả hai đều bình tĩnh thảo luận, lắng nghe nhau để tìm ra giải pháp hợp lý nhất. Tôi luôn biết ơn sự hy sinh thầm lặng của vợ, người vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Đoàn, vừa là chỗ dựa vững chắc để tôi yên tâm bảo vệ biên cương”. 

Ấm lòng nơi biên cương

Ở nơi biên giới xa xôi Na Cô Sa, cuộc sống của người lính biên phòng không chỉ là tuần tra, bảo vệ chủ quyền, mà còn gắn liền với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Em Giàng A Nguyễn - học sinh lớp 6A1, Trường phổ thông dân tộc bán trú Na Cô Sa vui vẻ chia sẻ: “Từ khi con được các chú bộ đội nhận về nuôi, các chú đã quan tâm, chăm sóc con như người thân trong gia đình. Đồn là ngôi nhà mới của con. Ở đây, con không lo ăn, lo mặc và được các chú đưa đón đến trường mỗi ngày”.

Đại úy Đỗ Xuân Điềm đồng hành cùng trẻ em vùng biên.

Theo Đại úy Điềm, chăm sóc các cháu nhỏ không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm hạnh phúc. Anh kể lại kỷ niệm khi đến thăm một học sinh, cậu bé rụt rè nắm tay anh và nói: “Con sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này con muốn làm Bộ đội Biên phòng như các chú”. Nghe những lời ấy, Đại úy Điềm càng thêm vững tin về những việc mình làm hôm nay không chỉ mang lại niềm vui cho hiện tại, mà còn gieo mầm hy vọng cho tương lai.

Không dừng lại ở đó, anh và đồng đội còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” - hỗ trợ học bổng 1.500.000 đồng mỗi quý cho 30 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, người Đại úy trẻ cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh nghèo, củng cố cơ sở vật chất cho các điểm trường và tham gia thực hiện chủ trương “đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình trên địa bàn khu vực biên giới”- giúp đỡ 66 hộ dân. Nhờ đó, đã có 6 hộ thoát nghèo, 4 hộ chuyển từ hộ nghèo lên cận nghèo, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho bà con.

Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, Đại úy Đỗ Xuân Điềm không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân cùng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Anh đã sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, giúp công tác dân vận trở nên linh hoạt, gần gũi. Thông qua các nền tảng trực tuyến, người đại úy trẻ đã tham mưu cho đơn vị phối hợp chặt chẽ với các tổ dân vận cơ sở trên địa bàn, triển khai hiệu quả các mô hình như “ba bám, bốn cùng”, “gõ cửa từng nhà” để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân. Từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ phù hợp, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng bản làng.

Chia sẻ thêm về tinh thần tự nguyện hỗ trợ bà con vùng biên giới, anh bồi hồi nhắc về lần đầu tiên được đón Tết cùng bà con Nhân dân nơi đây. Trong bữa cơm tất niên đầm ấm, Đại úy Điềm cảm nhận rõ tình cảm chân thành mà bà con dành cho mình - họ coi anh như người con trong nhà. “Khi đó, tôi lại càng thấm thía hơn truyền thống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” của Bộ đội Biên phòng. Tối hôm đó, tôi gọi về cho gia đình và động viên bố mẹ cứ vui vẻ đón Tết, ở đây, tôi có đồng đội và bà con cùng chung niềm vui, đón một cái Tết ấm áp” - Đại úy Điềm xúc động chia sẻ.

Với những cống hiến bền bỉ, đầu tháng 3 vừa qua, Đại úy Đỗ Xuân Điềm vinh dự được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên dương là “Gương mặt trẻ tiêu biểu”.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, nhận xét: “Đồng chí Điềm luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo, cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa bàn khó khăn như Na Cô Sa. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ Nhân dân, đặc biệt là các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Yên: Thăm Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm

Phú Yên: Thăm Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm

(Thanh tra) - Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm ở xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là nơi có nghề làm muối truyền thống, gắn với cuộc sống lao động của người diêm dân nơi đây từ bao đời nay.

Ngọc Phó

15:03 05/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm