Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tái cơ cấu doanh nghiệp: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Lê Hiếu

Thứ tư, 05/01/2022 - 22:17

(Thanh tra) - Tại cuộc họp về Đề án (ĐA) “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” của Bộ Tài chính mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo, đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp (DN) Nhà nước…

Tại buổi làm việc với Vinapaco, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Nguyễn Hồng Long đánh giá cao việc Vinapaco đã chủ động đổi mới sắp xếp doanh nghiệp và kết quả đạt được trong quá trình thực hiện. Ảnh: LP

Lối đi nào cho tái cơ cấu doanh nghiệp?

Dù đã có chủ trương cổ phần hóa và tái cơ cấu DN Nhà nước nhưng đến nay, tiến độ thực hiện còn quá chậm, một phần do bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến tiến trình cổ phần hóa hiện vẫn rất chậm.

Bên cạnh đó, nhiều DN Nhà nước trong đó có Tổng Công ty (Cty) Giấy Việt Nam (Vinapaco) lại khẩn thiết đề nghị sớm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ĐA Tái cơ cấu Tổng Cty và ĐA Sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp trực thuộc để triển khai thực hiện tái cơ cấu DN theo chỉ đạo của Chính phủ.

Báo cáo của Vinapaco cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Vinapaco đã xây dựng ĐA tái cơ cấu Tổng Cty giai đoạn 2016 - 2020; giai đoạn 2018 - 2020; giai đoạn 2019 - 2021 trình Bộ Công Thương. Sau nhiều lần giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Công Thương và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Vinapaco hoàn chỉnh ĐA Tái cơ cấu Tổng Cty và trình Bộ Công Thương phê duyệt ĐA Tái cơ cấu Vinapaco giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với việc lập và trình phê duyệt ĐA tái cơ cấu, từ năm 2019 đến nay Vinapaco đã gửi nhiều văn bản lên Bộ Công Thương về việc xin chủ trương sáp nhập các Cty lâm nghiệp đóng trên địa bàn một tỉnh. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa phê duyệt.

Trước đó, năm 2015, Vinapaco đã có văn bản xin chủ trương về ĐA Sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đồng ý không tiến hành sắp xếp các Cty lâm nghiệp trực thuộc để tiến hành cổ phần hóa Tổng Cty.

Năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vinapaco đã xây dựng ĐA Sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT gửi UBND các tỉnh (Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc) xem xét, cho ý kiến. Bên cạnh đó, chỉ đạo Cty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam xây dựng ĐA sắp xếp đổi mới Cty trình UBND tỉnh Kon Tum xem xét, cho ý kiến.

Tháng 4/2020, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị sớm có ý kiến về ĐA Sắp xếp các Cty lâm nghiệp của Vinapaco để Tổng Cty hoàn thiện ĐA Tái cơ cấu DN.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinapaco Hoàng Quốc Lâm thường xuyên cùng các chuyên gia đi khảo sát và kiểm tra thực tế tại các nông trường lâm sản. Ảnh: LP

Trên cơ sở ý kiến của UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và Kon Tum, Tổng Cty đã xây dựng phương án sử dụng đất của Tổng Cty trình UBND các tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Đến nay, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt phương án sử dụng đất cho từng Cty lâm nghiệp và UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt phương án sử dụng đất cho Tổng Cty.

Còn UBND tỉnh Tuyên Quang và UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa phê duyệt với lý do ĐA Sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp trực thuộc Tổng Cty chưa được Bộ Công Thương phê duyệt nên chưa có căn cứ phê duyệt phương án sử dụng đất cho Tổng Cty…

Mong muốn ĐA sớm được phê duyệt

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinapaco Hoàng Quốc Lâm cho biết, trong khi chờ Bộ Công Thương phê duyệt ĐA Tái cơ cấu Vinapaco, Vinapaco đã triển khai thực hiện một số nội dung để tái cơ cấu, sắp xếp lại các Cty lâm nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang và Hà Giang đạt được kết quả khả quan, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các DN và người lao động.

Trong quá trình thực hiện một số nội dung để tái cơ cấu, các Cty lâm nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan, trong đó số lao động gián tiếp đã giảm 128 lao động (từ 773 người tại thời điểm 31/7/2020 xuống còn 645 người tại thời điểm 30/11/2021). Việc tinh giản lao động này đã góp phần làm giảm chi phí quản lý hàng năm của các đơn vị.

Bên cạnh đó, Vinapaco trực tiếp quản lý dự án đầu tư trồng rừng và các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên của các phòng, ban chuyên môn Tổng Cty tại các Cty lâm nghiệp.

Vinapaco trực tiếp quản lý dự án đầu tư trồng rừng và các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên. Ảnh: LP

Về quản lý đất đai, Vinapaco đã hoàn thiện việc xây dựng bản đồ số để quản lý diễn biến diện tích đất, diện tích rừng tại các Cty lâm nghiệp. Sau khi sáp nhập các đơn vị, diện tích rừng trồng trung bình hàng năm từ 1.700 đến 1800 ha/năm; diện tích rừng chăm sóc hàng năm từ 5.000 đến 5.200 ha/năm, diện tích bảo vệ rừng từ 11.500 đến 12.000 ha. Diện tích rừng khai thác hàng năm từ 2.400 đến 2.500 ha, sản lượng đạt từ 160.000 đến 180.000 m3.

Khi đó, Tổng Cty sẽ đầu tư xây dựng các xưởng chế biến gỗ tại các Cty lâm nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, tăng doanh thu, lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách của địa phương.

Ông Lâm cũng cho biết, mong muốn lớn nhất của Vinapaco là sớm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ĐA Tái tái cơ cấu Vinapaco giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó có nội dung sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp) để Vinapaco triển khai thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị lâm nghiệp hạch toán phụ thuộc trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc nhằm tinh gọn đầu mối, tiết giảm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cty lâm nghiệp.

Tái cơ cấu tại đơn vị không có gì vướng mắc

Để góp phần giải quyết các vướng mắc trong tái cơ cấu DN theo chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN do Phó trưởng Ban Chuyên trách Nguyễn Hồng Long làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Vinapaco cùng đại diện lãnh đạo các Cty lâm nghiệp thuộc Vinapaco. Tham dự buổi làm việc có đại diện Bộ NN&PTNT và lãnh đạo các huyện nơi có các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc Vinapaco hoạt động.

Ông Hoàng Quốc Lâm cho biết, Vinapaco mong muốn sớm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ĐA Tái tái cơ cấu Vinapaco giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: LP

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cũng đã có chuyến đi thực tế nắm tình hình về việc thực hiện phương án tái cơ cấu tổ chức hoạt động của các Cty lâm nghiệp tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang và Hà Giang.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, đại diện lãnh đạo các Cty lâm nghiệp đã báo cáo sơ bộ kết quả đạt được sau sắp xếp DN và mong muốn ĐA Tái cơ cấu Vinapaco giai đoạn 2021 - 2025 sớm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bởi tái cơ cấu là yêu cầu từ thực tiễn, cần thiết điều chỉnh để quản lý sử dụng, khai thác tiềm năng đất đai, giảm lao động gián tiếp, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong quản lý và trồng rừng, khai thác rừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Sau khi nghe kết quả thực hiện phương án tái cơ cấu Vinapaco và thực tế tại các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc Vinapaco, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Nguyễn Hồng Long đã ghi nhận những kết quả đạt được của Vinapaco và các Cty lâm nghiệp trực thuộc. Vinapaco đã không ngừng đổi mới, thực hiện được rất nhiều công việc trong công tác sắp xếp, đổi mới DN và nhận được sự ủng hộ từ các đơn vị trực thuộc và người lao động.

“Kết quả đạt được của Vinapaco đến thời điểm này cho thấy việc tái cơ cấu tại đơn vị không có gì vướng mắc. Không những vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn tăng trưởng cao. Ngoài ra, hàng năm các Cty lâm nghiệp còn đóng thuế cho địa phương và tham gia các hoạt động quyên góp lên đến hàng tỷ đồng”, ông Long nhấn mạnh.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của Vinapaco cũng như đại diện các Cty lâm nghiệp, ông Long cho biết, đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những cấp bách của nông lâm trường nói chung và của Vinapaco nói riêng để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chứng khoán tuần cuối năm: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Chứng khoán tuần cuối năm: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

(Thanh tra) - Theo các chuyên gia chứng khoán, tuần giao dịch cuối năm thường là giai đoạn nhạy cảm trên thị trường khi các yếu tố nội tại và ngoại cảnh đều có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và quyết định đầu tư.

Đông Hà

19:41 22/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm