Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước năm 2030. Trong đó, đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 về hình thức đầu tư PPP (hợp tác công - tư), báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2020.

Để triển khai thực hiện dự án này, mới đây, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thuộc 5 tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long (TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) và đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South).

Tại buổi họp, đơn vị tư vấn cho biết, dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe, dự kiến khởi công năm 2021 và hoàn thành cơ bản năm 2025 bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc theo hình thức PPP. Đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án hướng tuyến cho dự án.

Phương án 1, sử dụng tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu 2 làn xe, tổ chức giao thông cho hướng xe chạy từ TP Cần Thơ đi TP Cà Mau, vận tốc khai thác 80km/h. Đồng thời xây dựng phần đường 2 làn xe về bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp tổ chức giao thông cho hướng xe chạy từ TP Cà Mau đi TP Cần Thơ, vận tốc thiết kế 100km. Tổng chiều dài khoảng 141km, chiều rộng phần đường xây dựng mới 12,75m, tổng vốn đầu tư khoảng 46.200 tỷ, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 2.080 tỷ.

Tuyến cao tốc theo phương án 1 có 13 nút giao. Ưu điểm của phương án này có mức đầu tư thấp nhất, GPMB 750ha; cự ly kết nối vào các đô thị lớn tương đồng (TP Sóc Trăng 24km, TP Bạc Liêu 25km, TP Vị Thanh 35km...); dễ thu hút xe vào cao tốc; có nhiều kết nối vào đường hiện hữu, thi công thuận lợi.

leftcenterrightdel
Tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Trần Quý 
 

Phương án 2, xây dựng tuyến mới có tổng chiều dài 138km, có đoạn từ điểm đầu tuyến đến địa phận TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) giống hướng tuyến của phương án 1, sau đó tuyến rẽ phải đi song song về phía trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (cách khoảng 150m - 1,5km) qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng về điểm cuối dự án tại nút giao với tuyến tránh QL1 qua TP Cà Mau. Tổng mức đầu tư cho phương án này khoảng 61.000 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 2.390 tỷ đồng. Phương án này có các nút giao cũng như khả năng kết nối đô thị tương đương phương án 1.

Phương án 3, hướng tuyến có đoạn đầu giống hướng tuyến của phương án 1, đến vị trí giao với tuyến đường nối QL91 - Nam Sông Hậu thì đi theo hướng Đông Nam, cắt qua tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đi song song về bên trái QL61C hiện hữu (cách khoảng 10km) vào TP Vị Thanh, qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối tại TP Cà Mau. Tuyến này sẽ có chiều dài khoảng 124km, tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 1.770 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đều không tán thành phương án tận dụng đường Quản Lộ - Phụng Hiệp mà đề xuất chọn phương án 2 hoặc 3.

Theo ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khi xác định hướng tuyến trước hết phải xác định sao cho có tình hài hòa giữa các tỉnh trong khu vực để cùng phát triển, đưa ĐBSCL thành trung tâm kinh tế của cả nước. Qua đó, đại diện địa phương này đề xuất chọn phương án 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, theo quy hoạch 326 thì có phương án 1 và phương án 2. Thứ trưởng Nhật đề nghị tư vấn nghiên cứu kỹ xem trong 2 phương án đó, cái nào hiệu quả nhất về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời nghiên cứu lại phương án 3, chỉ rõ tính kết nối cũng như phần diện tích đất nông nghiệp cần thu hồi.

Trần Quý