Không riêng gì đối với DA Nhà máy ĐMT Mỹ Hiệp do Công ty Cổ phần (CP) Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt (Cty Việt Nam Việt) làm chủ đầu tư, mà từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Định đã thu hồi hàng loạt DA chậm tiến độ hoặc không thực hiện việc ký quỹ thực hiện DA theo quy định của pháp luật. Có thể liệt kê cụ thể, như: DA ĐMT công suất 1.000MW do Công ty TATA Power của Ấn Độ làm chủ đầu tư, DA Khu du lịch Sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư…

Lý do trong việc thu hồi các DA chậm tiến độ phần lớn là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu kém hoặc nhà đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính khi triển khai DA. Việc thu hồi các DA trên đã và đang cho thấy công tác lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh Bình Định còn sơ sài và đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại Thông báo số 1348/TB-TTCP ngày 9/8/2019 về công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, phần lớn hồ sơ pháp lý một số DA về thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện ký quỹ đầu tư, xác định giá chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê đất còn một số tồn tại như: Hồ sơ thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư sơ sài, thiếu nội dung, nhất là về hồ sơ chứng minh năng lực tài chính, phương án huy động vốn, cam kết của các tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư…

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Định khi là cơ quan tham mưu, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số DA không yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất nên không thẩm định được đầy đủ các nội dung theo quy định, chưa có đầy đủ ý kiến của các sở chuyên ngành như Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; không lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nên chưa được sự đồng thuận của nhân dân dẫn đến DA không triển khai được phải thu hồi.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện và đôn đốc nộp tiền ký quỹ của các DA chưa nghiêm túc, để nợ đọng nhiều, dẫn đến buộc phải thu hồi một số DA giữa chừng. Trong đó phải kể đến là dự án ĐMT Mỹ Hiệp và Dự án ĐMT Trà Ổ do cùng một chủ đầu tư thực hiện nhưng lại sử dụng hai pháp nhân khác nhau.

Tại buổi làm việc với PV Báo Thanh tra, đại diện Sở KH&ĐT Bình Định cũng thừa nhận năng lực yếu kém của Cty Việt Nam Việt chủ DA ĐMT Mỹ Hiệp và chủ DA ĐMT Trà Ổ. Cả hai DA này đều do cùng một chủ sở hữu, sau khi thành lập doanh nghiệp tại Bình Định được mấy tháng thì được UBND tỉnh ưu ái chấp thuận cho 2 dự án ĐMT với công suất 100MW và tổng mức đầu tư của hai DA lên đến hơn 2.600 tỷ đồng.

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
 Văn bản của Cty Việt Nam Việt gửi UBND tỉnh Bình Định đề nghị tiếp tục thực hiện DA ĐMT Mỹ Hiệp. Ảnh: Nhóm PV
 

Đối với DA ĐMT Trà Ổ được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương vào tháng 6/2018 công suất 50MW, tổng mức 1.440 tỷ đồng trên 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất tại thôn Châu Trúc, Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ. DA dự kiến đưa vào hoạt động quý II/2019. Điều đặc biệt là, Cty này khi cấp quyết định chủ trương đầu tư mới thành lập 25/10/2017 và chưa từng có kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư DA tương tự, nhưng vẫn được tỉnh Bình Định lựa chọn đầu tư cho DA hơn 1.440 tỷ đồng. Chính vì vậy mà cho đến nay, DA này vẫn còn dở dang và không bị thu hồi khi chưa thực hiện đúng như cam kết đưa vào hoạt động quý II/2019.

Trong khi đó, đối với DA ĐMT Mỹ Hiệp với công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ trên diện tích 58,27ha tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, chỉ trong vòng 11 tháng triển khai, tỉnh Bình Định đã ra quyết định thu hồi, sau đó lại tiếp tục cho nhà đầu tư được triển khai lại D.A trong sự ngỡ ngàng của không ít nhà đầu tư khác.

Việc chậm tiến độ hơn một năm như DA ĐMT Trà Ổ vẫn không bị thu hồi, trong khi DA ĐMT Mỹ Hiệp thu hồi theo đúng quy định lại tiếp tục cho triển khai. Việc “bất nhất” trong việc xử lý DA sau khi bị thu hồi rồi cấp lại cho thấy công tác quản lý lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá năng lực nhà đầu tư còn yếu kém của tỉnh Bình Định, khiến cho không ít doanh nghiệp cảm thấy bất bình.

Nếu việc cho phép nhà đầu tư không có năng lực khi tiếp tục triển khai DA sau khi bị thu hồi cho thấy tỉnh Bình Định đã thừa nhận việc ra quyết định thu hồi là trái với quy định của pháp luật, cần xử lý trách nhiệm tham mưu của ngành, các bộ phận có liên quan. Theo Tờ trình số 18/TTr-VTV ngày 10/4/2020 của Cty Việt Nam Việt về việc xin đề nghị cho phép tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng DA Nhà máy ĐTM Mỹ Hiệp thì Cty này cam kết sẽ hoàn thành việc ký quỹ đầu tư, chi trả đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBND tỉnh cho phép tiếp tục DA mà Cty không thực hiện theo như cam kết thì UBND tỉnh sẽ thu hồi lại DA và chịu mất toàn bộ số tiền đã ký quỹ đầu tư, chi trả đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã hơn 30 ngày UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho tiếp tục DA nhưng Cty Việt Nam Việt vẫn chưa thực hiện việc nộp tiền ký quỹ bảo đảm đầu tư theo đúng cam kết.

Trả lời PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT Bình Định xác nhận, đến ngày 25/6/2019, Cty Việt Nam Việt vẫn chưa thực hiện ký quỹ như đã cam kết, trong khi tỉnh Bình Định lại đang xem xét miễn tiền ký quỹ cho doanh nghiệp này.

Việc một DA bị thu hồi một cách “chóng vánh” khi Cty này vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, rồi sau đó tỉnh Bình Định lại “gấp gáp” cho tiếp tục triển khai bỏ qua những thủ tục quan trọng theo quy định của Luật Đầu tư, đặc biệt hơn, Cty này cùng đầu tư hai DA Nhà máy ĐTM và đều chậm tiến độ. Sự “ưu ái” của tỉnh Bình Định khiến cho dư luận rất nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc trên.

Nhóm PV