Theo đó, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2009 - 2027.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó, vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979.93 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh:

Vốn ODA tương đương 24.781,99 tỷ đồng (bao gồm, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB 374,62 triệu USD, vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp AFD 158,77 triệu Euro, vốn vay Ngân hàng Đầu tư Châu Âu EIB 125,5 triệu Euro, vốn vay Chính phủ Pháp DGT 355,41 triệu Euro).

Vốn đối ứng của thành phố Hà Nội 10.044,01 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.

leftcenterrightdel
Liệu đến năm 2027, Dự án Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có về đích? Ảnh: TQ 

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ và cơ quan liên quan để có kế hoạch triển khai từng gói thầu của dự án trong thời gian tới.

Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu báo cáo; việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến (gồm cả đoạn ngầm) vào năm 2027.

Nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND thành phố Hà Nội còn chưa sát sao, quyết liệt; chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về công nghệ, chưa có thực tiễn quản lý, điều hành dự án có quy mô lớn, có tính kinh tế - kỹ thuật cao, phức tạp...

Cũng trong tờ trình, UBND thành phố Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên thành hơn 34.826 tỉ đồng (tăng 1.916 tỉ đồng). Về nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, theo UBND thành phố Hà Nội, có một phần do sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, do điều chỉnh khối lượng công việc, biện pháp thi công; bổ sung công việc còn thiếu do không lường trước (chi phí pháp lý, trọng tài kinh tế…); do thay đổi chế độ chính sách và các quy định liên quan việc xác định và quản lý chi phí (điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng, bảo hiểm…).

Trần Quý