Nhà trong phố thiếu khoảng thở 

Kinh tế phát triển kéo theo các vấn đề về đô thị hóa, bê tông hóa, ô nhiễm, biến đổi khí hậu... Thành phố trở nên đông đúc hơn, quỹ đất xây dựng giảm sút. Nhà ống mặt tiền 3 - 4m mọc lên san sát, thậm chí là chung nhau vách tường để tiết kiệm diện tích. Thiếu sáng, thiếu mảng xanh, thiếu khoảng thở trở thành đặc trưng và nỗi ám ánh của cư dân. 

Theo thống kê, hiện nay tỉ lệ cây xanh/người ở các đô thị hiện đại trên thế giới chiêm từ 20 - 25m2/người. Trong khi đó, những thành phố lớn của Việt Nam chỉ đạt mức 2 - 3m2/ người. Thực tế này cho thấy tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới. Điều đó đòi hỏi các kiến trúc sư quy hoạch thiết kế nhà ở không chỉ hoàn thành yêu cầu về công năng. Mà còn cần đưa ra những giải pháp mới góp phần xanh hóa đô thị, giải tỏa bớt áp lực cho thành phố và chính những người thụ hưởng. 

Kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở - xu hướng sống cộng hưởng và thích ứng 

Kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại bộc lộ được nhiều ưu điểm vượt trội về cả khả năng thích ứng và tính bền vững. Bởi vậy, phong cách này đã trở thành xu hướng mới chiếm trọn cảm tình của gia chủ. 

Về mặt thực tiễn, nhà ở hiện đại không gian xanh là một cách tiếp cận đồng bộ và có hệ thống. Bao gồm các yêu cầu: 

  • Thiết kế một không gian đáng sống. 

  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên

  • Áp dụng biện pháp thông gió giữa càng tầng, các phòng có hiệu quả

  • Hạn chế tác động, thay đổi cảnh quan xung quanh

  • Khéo léo kết hợp mảng xanh vào các vị trí phù hợp của ngôi nhà

  • Sử dụng vật liệu thân thiện, an toàn

  • Tận dụng, thu hoạch và tái chế bền vững các nguồn tài nguyên như: năng lượng gió, ánh sáng mặt trời, nước mưa… 

Khi được kết hợp một cách tổng thể, kiến trúc xanh mang lại nhiều lợi ích cho cư dân và thành phố. Ngôi nhà góp phần gia tăng sự thoải mái, cảm giác hạnh phúc cho các thành viên. Bố cục, sắp xếp nội thất một cách gọn gàng, khoa học tiết kiệm diện tích sử dụng. Đặc biệt, không gian xanh, ánh sáng tự nhiên và lưu thông gió có tác dụng duy trì chất lượng không khí trong lành. Loại bỏ cảm giác bí bách, chật chội, ẩm mốc thường thấy trong những căn nhà phố cũ kỹ. 

Hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa, giếng trời hay không gian mở cũng chính là cách hữu hiệu giúp ngôi nhà thích ứng với những biến đổi khí hậu khôn lường. 

Về lâu dài, kiến trúc nhà xanh phù hợp là cách để giảm thiểu chi phí vận hành, giảm hóa đơn điện, nước. Đồng thời làm tăng giá trị tài sản khi bán lại. Và đương nhiên, sự có mặt của các dự án xanh sẽ giúp thành phố trong lành hơn, dễ thở hơn. 

Theo dõi sự biến động của thị trường nhà ở vài năm trở lại đây, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Tú (chuyên gia thiết kế tại Công ty Kiến trúc Tây Hồ) cho biết: “Ngày nay, chuẩn mực về một ngôi nhà hoàn hảo đã thay đổi. Nó không chỉ để ở, mà hơn thế, còn phải là nơi hưởng thụ. Thiết kế nhà ở cần đề cao cảm nhận của cả 6 giác quan, tạo ra những không gian chung - riêng đảm bảo sức khỏe và gắn kết giữa các thành viên. Xét trên những yêu cầu đó, kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại là lựa chọn phù hợp và đáp ứng tốt hơn cả”. 

Cũng theo KTS Đoàn Tú, dưới tác động của đại dịch Covid - 19, giãn cách tại gia lâu ngày, suy nghĩ của gia chủ về một ngôi nhà xanh hiện đại, không gian mở càng được đề cao. Nhất là nhà ống xây trong phố, ngõ ngách. 

Lúc này thay vì khối hộp bê tông thô kệch, bưng bít kín đáo, các thành viên đều mong muốn nhà nhiều cửa sổ, nhiều ánh sáng tự nhiên. Và cần có cả góc làm việc yên tĩnh, góc chill thư giãn. Song song với hướng mở, nhà vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Xanh… nhưng phải là xanh thật!

Kiến trúc xanh là xu hướng bền vững của tương lai. Nhưng không phải  cứ trồng thật nhiều cây ở ban công, sân thượng, sân vườn; sử dụng hệ thống nước sạch tưới tiêu chằng chịt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới… là đã xanh. Ngược lại, những yếu tố này còn khiến gia chủ tốn kém hơn. Ít nhất là chi phí tưới tiêu, chăm sóc. 

Kiến trúc xanh trong nhà ở hiện đại cũng không phải là nhà bê tông kính thép vuông vức rồi ứng dụng thật nhiều công nghệ hiện đại để tiết kiệm điện nước.

Mà kiến trúc xanh, lối sống xanh, thân thiện cần phải có sự dung hòa giữa yếu tố tiện nghi và khả năng thích ứng với môi trường, điều kiện khí hậu địa phương. Điều này đòi hỏi người KTS phải giải được bài toán tổng thể về thiết kế - thi công - vật liệu - thiết bị, công nghệ - giải pháp mới… 

Bản chất của xu hướng kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại là cải tạo môi trường sống. Tạo nên không gian cộng hưởng và chung sống bền vững với môi trường. Việc chạy theo một khái niệm chung chung là đẹp và lạ nhưng lại bỏ qua giá trị cốt lõi của đời sống khiến chúng ta không thể tương tác được với ngôi nhà của mình bằng cả 6 giác quan - tiêu chí của sự hưởng thụ. Vậy nên với mỗi chủ thể, mỗi dự án, lại cần có sự ứng dụng linh hoạt để tránh lãng phí, tác động tiêu cực lâu dài.


KTS Đoàn Tú (Công ty Kiến trúc Tây Hồ)