Tranh chấp ở chung cư có nhiều “mặt” mà điển hình nhất là mâu thuẫn giữa tập thể cư dân và chủ đầu tư liên quan đến phí bảo trì, diện tích chung - riêng, phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ, chủ đầu tư không thực hiện cam kết, không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng về tiến độ sổ đỏ, sổ hồng… Thậm chí, thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa cư dân với chính ban quản trị mà mình bầu ra cũng khá phổ biến.

Năm 2018, một trong những vụ mâu thuẫn nhận được sự thu hút của dư luận là vụ cư dân Hòa Bình Green City căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư cấp sổ hồng cho người dân và làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. 

Theo các cư dân, kể từ ngày được bàn giao căn hộ do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư vào tháng 7/2015, cư dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng, các cư dân cho biết, việc chưa được cấp sổ hồng đã mang lại rất nhiều khó khăn và phiền phức cho những chủ sở hữu căn hộ tại Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City. Đó là khó khăn trong việc chứng minh tài sản tại ngân hàng hoặc không thể thực hiện mua - bán, trao tặng, chuyển nhượng hay thừa kế... Trong khi đó, theo hợp đồng mua bán căn hộ, Công ty TNHH Hòa Bình có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho cư dân trong thời gian 1 năm kể từ ngày bàn giao căn hộ. 

leftcenterrightdel
 Những đề nghị vượt ra cả khuôn khổ của ý kiến, trở thành băng rôn gay gắt...

Dự án Tứ Hiệp Plaza tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Vinh Hạnh (Công ty Vinh Hạnh) làm chủ đầu tư có tên đầy đủ là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp và nhà ở cao tầng, gồm hơn 600 căn hộ.

Mặc dù cư dân được nhận bàn giao nhà từ cuối năm 2018 nhưng gần 3 năm sau, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đầy đủ hạng mục hạ tầng như cam kết trong hợp đồng, khiến cư dân bức xúc.

Cư dân chung cư Tứ Hiệp Plaza phản ánh, trong bản vẽ thiết kế mặt bằng tòa nhà được đính kèm hợp đồng mua bán, chung cư có 3 cổng, trong đó có 2 cổng tiếp giáp với đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Gần 3 năm về ở, cư dân vẫn phải đi cổng duy nhất ở phía Tây Bắc, lối ra đường Nguyễn Bồ. Việc này gây nhiều khó khăn, bất tiện cho cư dân trong sinh hoạt và đi lại.

Năm 2020, giữa cái nắng nóng gay gắt của tháng 6, nhiều người dân của tòa nhà Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đột ngột bị chủ đầu tư cắt điện, cắt nước. Chủ đầu tư của Thống Nhất Complex là Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt. Lý do chủ đầu tư áp dụng biện pháp “mạnh tay” với chính khách hàng của mình là mâu thuẫn với cư dân ở nhiều góc độ. 

Thống Nhất Complex là dự án chung cư cao cấp có 550 căn hộ. Mức phí dịch vụ được chủ đầu tư đưa ra là 8,8 nghìn đồng/m². Theo phản ánh của cư dân, từ khoảng tháng 12/2018 đã có nhiều hộ dân dọn về đây sinh sống. Chủ đầu tư bàn giao chính thức căn hộ cho cư dân vào tháng 6/2019. Dù hệ thống hạ tầng, dịch vụ chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư tính mức giá dịch vụ là 8,8 nghìn đồng/m². Cư dân phản đối, chủ đầu tư hạ mức phí dịch vụ xuống 6,6 nghìn đồng/m². Điều đáng nói là khi cư dân yêu cầu, chủ đầu tư lại không thống kê và công khai các khoản chi làm cơ sở tính phí dịch vụ 6,6 nghìn đồng/m². Vì vậy, một số hộ dân bức xúc không nộp tiền phí dịch vụ, chủ đầu tư cắt nước.

Gần đây nhất, đầu năm 2022, hàng trăm cư dân chung cư cao cấp mang băng rôn diễu phố Hà Nội phản đối chủ đầu tư quảng cáo sai sự thật; yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu văn phòng nhà ở và nhà trẻ tại Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội…

leftcenterrightdel
Đề nghị bàn giao quỹ bảo trì, đề nghị về diện tích sử dụng chung trong đó có chỗ đỗ xe... luôn làm "nóng" chung cư...

Có lẽ, không thể kể hết những vụ việc mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư tại các khu chung cư.

Mâu thuẫn nhiều mặt, nhiều dạng và cấp độ khác nhau, có thể âm ỉ hay ầm ĩ nhưng có lẽ, phần lớn các dạng mâu thuẫn đó gắn liền và liên quan đến 2% quỹ bảo trì chung cư mà cư dân phải nộp. Đây cũng là vấn đề thực sự cần quan tâm về quản lý Nhà nước.

Năm 2021, Báo Thanh tra đã có bài viết về “vấn nạn” này từ góc nhìn của Thanh tra Bộ Xây dựng. Theo đó, qua thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổng hợp, bổ sung mới 23 hành vi vi phạm, đề xuất thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Từ ngày 28/01/2022, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Hành vi vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư có mức phạt lên đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư. 18 kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng; buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân - tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ và nếu “bỏ ngỏ” sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Nhài Quý