Đại gia nọ mang một túi nặng vàng lên tàu ra khơi, nhưng khi ra đến giữa biển thì tàu gặp bão. Trước khi tàu chìm, anh ta buộc túi vàng vào thắt lưng rồi nhảy xuống biển, chìm nghỉm với đống của cải của mình, chẳng ai còn bao giờ thấy anh ta đâu nữa.

Nhà phê bình người Anh John Ruskin viết truyện ngụ ngôn này hơn một thế kỷ trước nhưng nó cũng đặt ra một câu hỏi cho những nhà đầu tư khôn ngoan hôm nay. Rất nhiều người cũng buộc chặt vàng vào danh mục đầu tư của mình nhưng sau những biến động mạnh bất thường của các thị trường hàng hóa tháng này, liệu vàng và các mặt hàng khác còn có thể đóng vai trò là một bộ phận của một danh mục đầu tư điển hình nữa không? Mặc dù vàng chắc chắn là hấp dẫn, câu trả lời cũng không đơn giản.

Không ai có thể chối cãi là ít nhất cho tới khi các thị trường hàng hóa chao đảo thì vàng cực kỳ được yêu chuộng không chỉ vì cái màu lóng lánh của nó. Vàng từng là chuẩn của hệ thống tiền tệ toàn cầu cho tới những năm 70, điều này tạo nên tính hấp dẫn của vàng trong giai đoạn biến động dữ dội của các giá trị tài chính. Chứng khoán vàng tổng hợp SPDR Gold Shares của công ty State Street Global Advisors, một loại thước đo độ chấp nhận vàng làm công cụ đầu tư chính, là loại chứng khoán tổng hợp ETF được giao dịch nhiều thứ hai tại Mĩ hôm 30/4 vừa qua, chỉ đứng sau chứng khoán đầu tầu của State Street là SPDR S.& P. 500.

Nhưng, bất chấp sự hấp dẫn đôi khi là khó hiểu của kim loại này, vàng bây giờ cũng chỉ là một hàng hóa như bao hàng hóa khác, như dầu, như bạc hay bột mì, thịt lợn, cũng phụ thuộc vào sự thất thường của các thị trường và mức biến động quá mạnh gần đây.

Vàng vẫn thay đổi từ tốn hơn kim loại chị em của nó là bạc, giá bạc giảm tới hơn một phần tư trong tháng này sau khi tăng gần 400% tính từ 10/2008. Nhưng vàng cũng chẳng phải là một hình mẫu ổn định, tháng này giá vàng cũng rớt hơn 4% sau khi tăng hơn gấp đôi tính từ 10/2008.

Trở lại với câu hỏi: Liệu các nhà đầu tư dài hạn có nên tham gia chặng đua quá gập ghềnh này không?

Ngay các hãng quản lý tài sản đầu tư hàng đầu cũng đưa ra những câu trả lời khác nhau. Ví dụ, hai hãng T. Rowe Price và Fidelity thì đưa vàng và một số mặt hàng khác vào các danh mục đầu tư theo ngày định trước (target-date mutual funds) - loại danh mục đầu tư chuẩn gồm tất cả những gì một nhà đầu tư cần ít nhất cho tới ngày hưu trí của anh ta. Richard Fullmer, chiến lược gia phân bổ đầu tư của T. Rowe Price phát biểu: "Chúng tôi nghĩ rằng, một danh mục đầu tư được phân tán rủi ro tốt thì nên bao gồm những thứ mà chúng tôi gọi là 'tài sản thực'".

Nhưng hãng Vanguard lại coi vàng hay các hàng hóa khác là không cần thiết mà lại quá biến động cho một danh mục đầu tư cơ bản, không đưa chúng vào danh mục đầu tư theo ngày định trước hay các danh mục cốt lõi khác của hãng này.

"Chúng tôi biết có những người thích đầu tư vào vàng vì những lý do riêng, điều này cũng không sao cả," Fran Kinniry, người đứng đầu Nhóm Chiến lược Đầu tư của Vanguarrd cho biết. "Nhưng một nhà đầu tư điển hình luôn có thể phân tán hết rủi ro mà không cần đầu tư vào bất cứ hàng hóa nào cả."

Gary P. Brinson, một học giả kiêm chiến lược gia lão luyện tại Chicago cho rằng, nói một cách chặt chẽ thì hàng hóa có khi còn không được coi là một phân lớp tài sản đầu tư vì hàng hóa không tạo ra dòng tiền, cổ tức cho các nhà đầu tư. Ông ta nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại tuần trước: "Một thỏi vàng cũng chỉ là một thỏi vàng, không hơn. Có thị trường cho vàng thì cũng chỉ như có thị trường cho các tác phẩm nghệ thuật, mua vào bán ra phải giá thì sẽ có lời. Nhưng nếu nó không sinh ra dòng tiền, không cho bạn cổ tức hay thu nhập thì làm sao tính toán giá trị nội tại của nó? Nó không phải là một tài sản đầu tư."

Ông Brinson có những nghiên cứu đột phá về tác động của việc phân bổ tài sản đầu tư lên danh mục đầu tư vào những năm 80 và 90. Trong hai bài báo đăng trên tạp chí Phân Tích Tài Chính, ông và các đồng nghiệp đã tìm ra rằng quyết định về các phân lớp tài sản đầu tư - đầu tư vào đâu với tỉ lệ nào- đóng góp hơn 90% thành bại của danh mục đầu tư.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông nói nhà đầu tư cần tất cả là 8 phân lớp tài sản đầu tư khác nhau nhưng không hề có vàng hay các mặt hàng khác. Tám phân lớp này có tỉ lệ như sau trong một danh mục đầu tư tiêu biểu: cổ phiếu từ các thị trường phát triển 49%,  cổ phiếu từ các thị trường mới nổi 6%, trái phiếu đạt điểm đầu tư từ các thị trường phát triển 25%, trái phiếu từ các thị trường mới nổi 2%, trái phiếu có lợi suất cao 3%; bất động sản thương mại 10%, đầu tư mạo hiểm và đầu tư vốn cổ phần 5%.  Trừ phần đầu tư mạo hiểm và đầu tư vốn cổ phần ra, các phân lớp tài sản này đều có thể mua được với chi phí thấp thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán tổng hợp.

Vậy có nên cho vàng và các hàng hóa khác vào một danh mục đầu tư không? Brinson trả lời, có thể, nếu coi chúng là một dạng bảo hiểm chống lại một rủi ro cụ thể nào đó và nếu giá cả hợp lý. Có thể dùng vàng để tránh rủi ro lạm phát mặc dù từ năm 1980  tình hình giá vàng không tốt lắm. Đầu tư vàng cũng có thể được coi là một cách tránh sự giảm giá của đồng đô la nhưng ông cũng nói, với biến động hiện nay của vàng, "bạn đang phải trả một cái giá quá cao cho nó.

Ông Kinniry ở hãng Vanguard chỉ ra rằng vàng và các chứng khoán đều vận động ngược chiều với USD, giá của chúng có xu hướng tăng khi USD giảm. Nhưng từ năm 1985, mối liên hệ ngược chiều với chứng khoán lớn hơn đồng thời chứng khoán cũng cho thu nhập cao hơn. Tóm lại, phân bố đầu tư vào các chứng khoán quốc tế rất có thể đã tránh được rủi ro giảm giá đồng đô tốt hơn, với ít biến động hơn.

Một lý do để chấp nhận biến động giá của những hàng hóa như vàng là đường giá trong dài hạn của chúng đi lên, nhà quản lý quỹ Fidelity Global Commodity Stock fund và danh mục đầu tư vàng Fidelity Select Gold Portfolio nhận định. "Do sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào tài nguyên, "các thị trường vàng và hàng hóa đều là thị trường giá lên trong dài hạn". (Ông Wickwire cũng nói, trong dài hạn việc tiếp cận các thị trường hàng hóa sẽ có lợi cho việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, bất kể xu hướng giá tạm thời như thế nào.)

Sẽ dễ hơn nhiều nếu quan sát thực tế để nhận ra những xu hướng chính, qua đó để thấy bức tranh đầu tư cho vàng không hoàn toàn hấp dẫn. Giá một ounce vàng đạt đến đỉnh điểm là 850 USD vào năm 1980. Tính cả lạm phát thì đến nay nó phải lên tới hơn 2.400 USD. Nói một cách khác thì sau hơn 30 năm, đầu tư vàng là lỗ, chưa tính đến phí lưu kho và bảo vệ vàng.

Vàng đẹp đấy, nhưng có đáng đầu tư không? Có thể, nhưng đừng đặt cược đời bạn vào đó.
 
(Theo VEF.VN)