Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững nhờ tận dụng EVFTA

Lê Phương

Thứ hai, 19/04/2021 - 10:18

(Thanh tra) - Theo Bộ Công thương, việc khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất, nhập khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32 - 34%/năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% - 34%/năm. Ảnh minh họa: Lê Thị Hiếu

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong năm 2019 và đạt trên 545 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 282,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, riêng khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước).

Năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, 9 mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 50,9 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 1% so với năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 44,7 tỷ USD, tăng 24,4%.

Những năm gần đây nổi lên vai trò chi phối của nhóm hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện. Trị giá xuất khẩu của 2 nhóm hàng này đang tiến dần tới mốc 100 tỷ USD (năm 2019 đạt 87 tỷ USD, năm 2020 ước tính đạt gần 96 tỷ USD) với tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết cho sản xuất, xuất khẩu, gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 93,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng tăng mạnh tới 16,3%.

Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang có sự phục hồi khá mạnh mẽ về sản xuất trong khi nhập khẩu cho tiêu dùng đã giảm đáng kể, tỷ trọng chỉ chiếm 6,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2019.

Quá trình hội nhập cũng được khai thác hiệu quả, gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016, 2,1 tỷ USD năm 2017, 6,8 tỷ USD năm 2018, 10,9 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2019 và 85,2% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 xuống còn 1% năm 2020. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 28 mặt hàng năm 2016 lên 31 mặt hàng năm 2020.

Bên cạnh đó, việc khai thác các FTA cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% -34%/năm.

Điều này cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam dù Hiệp định EVFTA mới được đưa vào thực thi từ tháng 8/2020.Tính đến ngày 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127,296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.

Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.

Có thể nói, 2020 là một năm đầy khó khăn với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, nhưng thành tích xuất siêu không những được giữ vững mà còn có thể lập nên kỷ lục mới. Tuy rằng mức xuất siêu kỷ lục năm 2020 có ảnh hưởng khá lớn bởi sự suy giảm của kim ngạch nhập khẩu, nhưng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu vẫn là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế tiếp tục có những đột phá mới trong những năm tiếp theo nhờ việc khai thác các FTA.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm