Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 11/02/2024 - 06:30
(Thanh tra) - Chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, xếp hạng về chuyển đổi số của Việt Nam tăng đáng kể. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Chương trình chuyển đổi số quốc gia ở đã đi qua chặng đường 4 năm. Năm thứ nhất 2020 là năm khởi động chuyển đổi số. Năm thứ hai 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc để phòng chống Covid-19. Năm thứ ba 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia. Năm thứ tư 2023 là năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới.
Chuyển đổi số của Việt Nam trong mắt quốc tế
Nhìn lại kết quả chuyển đổi số cho thấy, thứ hạng của Việt Nam tăng đáng kể theo đánh giá của quốc tế.
Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc xếp chỉ số EGDI của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 86/193 quốc gia thành viên, không tăng bậc so với xếp hạng năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá cao do có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến cao ở “mức cao”.
Theo xếp hạng bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.
Các quốc gia được đánh giá về chỉ số đổi mới sáng tạo dựa trên 52 chỉ số thuộc 4 hạng mục chính: sức hấp dẫn về tài chính, kỹ năng và sự sẵn có của nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh và cộng hưởng kỹ thuật số.
Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet của Việt Nam đạt 58%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối ASEAN.
“Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và thứ 10 toàn cầu, đây là yếu tố quan trọng của hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, cung cấp dịch vụ cá thể hóa cho người dùng”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Thêm nữa, năm 2023, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam tăng 10 bậc về dữ liệu mở so với năm 2020. Năm 2022, tổ chức quốc tế Open Data Watch đánh giá, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam đứng thứ 80 trên thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 91 thế giới).
Đặc biệt, chỉ số thành phần về độ phủ dữ liệu mở tăng vượt bậc với thứ hạng 81 trên thế giới, tăng 41 bậc (từ vị trí 122) và thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, tăng 3 bậc (từ vị trí 9).
Xếp hạng của Việt Nam về chỉ số dịch vụ toàn cầu đứng thứ 7/78 quốc gia được đánh giá, theo theo Kearney (Tổ chức Tư vấn quản lý toàn cầu). Chỉ số này càng cao thì Việt Nam càng có nhiều cơ hội, thuận lợi trong đầu tư và phát triển kinh doanh phần mềm.
Động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn”, Bộ Thông tin và Truyền thông khái quát.
Vì vậy, ngay những ngày đầu năm 2024, Chính phủ quán triệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Các lĩnh vực du lịch, ngân hàng, giáo dục, y tế, quản lý dân cư, lao đông… đều phải chuyển đổi số.
“Quyết liệt thực hiện và sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong các chương trình, Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số, Chính phủ số”, theo yêu cầu của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng chủ đề chuyển đổi số năm nay là “phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số; là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất; năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức.
Khi nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp “cứu cánh” trong cải cách hành chính, đặc biệt là để đạt được mục tiêu phát triển vào các năm 2030, 2045. “Chúng ta chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số”, lãnh đạo Chính phủ nhận định.
Phó Thủ tướng còn lưu ý, trong công cuộc chuyển đổi số, không chỉ thay đổi tư duy, sáng tạo, vận động thuyết phục, tạo cảm hứng, mà có việc phải “ép” bởi “không ép không xong”.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP. Năm 2023, kinh tế số đã đóng góp khoảng 16,5% GDP. Đặc biệt, Việt Nam có hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, ước đạt 7,5 tỷ USD.
Để tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 20% vào năm 2025 và đạt 30% vào năm 2030, theo các chuyên gia và nhà quản lý, Việt Nam cần tìm kiếm, phát hiện và khai phá không gian mới ngay từ bây giờ.
Công thức để thúc đẩy nền tảng số - giải pháp hỗ trợ hiệu quả phát triển kinh tế số nhanh là “doanh nghiệp làm nền tảng, Nhà nước thúc đẩy sử dụng dựa trên thiết lập niềm tin”, thể hiện ở chỗ cơ quan Nhà nước xác thực, công bố và quảng bá, từ đó doanh nghiệp nhỏ và vừa tin tưởng sử dụng; làm từ dễ đến khó, từ điểm đến diện rộng.
Câu chuyện từ ngành Dệt may
Một trong những “điểm sáng” trong chuyển đổi số là ngành Dệt may, giúp tiết kiệm chi phí, giảm tải công việc và nâng cao năng suất. Đến năm 2023 đã triển khai chuyển đổi số quy trình sản xuất được hơn 100 doanh nghiệp. Nền tảng số Made in Việt Nam giúp kết nối hơn 1 nghìn đơn hàng cho các doanh nghiệp chuyển đổi số.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đầu tư hợp lý về công nghệ, sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Từng đơn vị cần chủ động chuyển hướng vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối.
“Quá trình này là rất khó khăn, nên rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như ưu đãi về thuế, hỗ trợ nguồn vốn, tín dụng lãi suất thấp…”, ông Hiếu bày tỏ.
Quyết tâm của Viettel
Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Thanh Nam chia sẻ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biến, mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan với mỗi quốc gia, và trong mọi lĩnh vực.
“Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong chủ đạo kiến tạo xã hội số tại Việt Nam, Viettel xác định tiếp đầu tư nguồn lực nghiên cứu làm chủ công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…); ưu tiên cơ chế chính sách để thu hút phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; tập trung phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu...”, theo ông Nam.
Tập đoàn này cũng định hướng tiếp tục đầu tư phát triển lĩnh vực an ninh mạng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng.
Chỉ 12 giờ làm việc đã cấp chứng nhận đầu tư 2 dự án triệu USD
Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh. Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,5 nghìn quy định kinh doanh; đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân.
Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Ví dụ, tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.
Văn Thanh
12:45 22/11/2024(Thanh tra) - Chiều 21/11, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2024 nghe và cho ý kiến vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác. Trong đó, nổi lên việc thu ngân sách Nhà nước của tỉnh năm 2024 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ, nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Văn Thanh
12:43 22/11/2024Trần Quý
12:40 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu
Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang