Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trong thời bình vẫn giữ tinh thần "xung phong"

Thứ năm, 14/07/2011 - 05:39

(Thanh tra)- Thời chiến tranh, họ còn trẻ, không ngại ngần gia nhập đội thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ tuyến lửa của Tổ quốc. Trở về sau cuộc chiến, họ lại hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước vẫn với một tinh thần "xung phong" và ý chí quyết tâm đánh đuổi đói nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân và quê hương mình.

* Cựu TNXP, thương binh, Giám đốc Cty cổ phần thương mại Thành Trung, Nguyễn Thế Kinh chia sẻ: Là đơn vị chuyên sản xuất phân bón NPK, chúng tôi mong muốn là người bạn đồng hành với nhà nông để cùng chia sẻ những vụ mùa bội thu, góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển ngành nông nghiệp nước nhà.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Thế Kinh, ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tình nguyện lên đường gia nhập TNXP tại Đại đội 356-N35 Trần Văn Chuông của tỉnh Hà Nam. Đơn vị của anh được điều vào khu IV đóng quân tại xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để xây dựng và đắp ga Yên Xuân, khôi phục tuyến đường từ Yên Xuân đến ga Tân Ấp (tỉnh Quảng Bình), vận chuyển lương thực và vũ khí cho chiến trường miền Nam. Hai năm sau, do mặt trận đường 9 Nam Lào rất khốc liệt, anh lại tình nguyện vào Cục Tiền phương, bộ phận tiền trạm để chuẩn bị cất giấu lương thực, phương tiện, công cụ,chuẩn bị cho việc mở đường mới, đường 20/7 từ Nông trường cao su Quyết Thắng-Quảng Bình nối với đường 9. Thời điểm ấy, Nguyễn Thế Kinh là một trong ba nhân viên hoa tiêu và áp tải hàng cho các đoàn xe từ trạm Trung chuyển vào KmO của tuyến 20/7 vào cấp phát cho các đơn vị mở đường với cự ly khoảng 80km, phải qua các trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm như ngã ba Việt Trung, ngầm 4, phà Long Đài, ngã ba dân chủ của tuyến 15A. Năm 1968, trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị thương và về điều trị tại Bệnh viện 41 quân đội. Năm 1971 anh được cử đi học lớp khảo sát thiết kế, sau đó về nhận công tác tại Đội khảo sát thiết kế 872 của Cục công trình 1 (nay là Cty tư vấn thiết kế 4). Năm 1990 do sức khoẻ yếu nên anh được nghỉ chế độ hưu trí.

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Thế Kinh quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp kinh doanh chế biến thực phẩm Hương Kinh, chuyên sản xuất và kinh doanh bột canh và mì ăn liền. Sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, cuối năm 1999, anh tiếp tục mở rộng thị trường sang nước bạn Lào, doanh thu mỗi năm đạt 10 tỷ đồng. Đang “ăn nên làm ra”, anh mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề kinh doanh sang sản xuất phân bón các loại lấy tên là Cty cổ phần thương mại Thành Trung trên dây chuyền công nghệ thô sơ, nhà xưởng phải thuê của đơn vị khác. Đến năm 2005, anh lập dự án đầu tư xây dựng và lắp đặt dây chuyền phân bón bán tự động công suất 30.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Nghi Phú. Sau một năm khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng lắp đặt thiết bị máy móc, Nhà máy sản xuất phân bón Bắc miền Trung đi vào hoạt động, những sản phẩm đầu tiên đã phục vụ kịp thời cho nông dân trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận thuộc khu vực bắc miền Trung.

N ăm 2008, Nguyễn Thế Kinh quyết định thành lập thêm Cty cổ phần vật tư nông nghiệp Việt Tiệp tại xã Thọ Sơn, huyên Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tỉnh Bình Phước đã chấp thuận cho phép Cty mua thẳng tài sản của lâm trường Bù Đăng trên diện tích 18.000m2, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm. Hai năm sau, sản phẩm phân bón do Cty sản xuất đã có mặt tại các huyện thuộc tỉnh Bình Phước và các tỉnh cao nguyên dọc quốc lộ 14. Hiện nay, hai nhà máy của Cty hoạt động đều đặn, tạo ra nhiều sản phẩm NPK phù hợp với nhu cầu sử dụng của bà con, góp phần làm tăng năng suất sản lượng cây trồng, doanh thu bình quân khoảng 80 tỷ đồng/năm. Để đạt được doanh thu như vậy Cty đã áp dụng nhiều cơ chế thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp nông dân thâm canh kịp thời vụ như cho xe chở phân bón đến tận nhà dân, cho bà con vay phân bón trả chậm...; tổ chức hội nghị, hội thảo hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý nhất cho bà con, mang lại năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Vì vậy mà sản phẩm phân bón NPK và phân hữu cơ sinh học của hai Cty Bắc miền Trung và Việt Tiệp đã trở thành người bạn đồng hành của nhà nông trên con đường phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Sản phẩm phân bón NPK của Cty đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận phù hợp với các yêu cầu tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Bản thân giám đốc Nguyễn Thế Kinh được nhận Cúp vàng Doanh nhân Việt Nam năm 2010 và rất nhiều giải thưởng khác.

Nguyễn Thế Kinh rất tự hào bởi mình là cựu TNXP, anh thổ lộ: Trong tôi luôn có bản chất người lính cụ Hồ. Chính nhờ được rèn luyện trong môi trường chiến tranh, tôi có đủ bản lĩnh, cái nhìn thực tế bắt kịp nhịp sống hôm nay. Tôi hiểu được điều mình cần và người khác cần gì ở mình. Lựa chọn của tôi chính là phục vụ những người nông dân Việt Nam. .

* Cũng giống như Giám đốc Nguyễn Thế Kinh, trở về từ chiến trường Bình Trị Thiên sau 1975, “gia tài” của TNXP Nguyễn Lương Lộc (Tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình) chỉ vẻn vẹn “chiếc ba lô gió sương đã bạc màu”. Nhà nghèo, con đông, không nguồn trợ cấp, gia cảnh rất khó khăn nhưng với nghị lực phi thường của người TNXP năm xưa, Nguyễn Lương Lộc đã vươn lên làm giàu, trở thành một điển hình gương mẫu trong sản xuất kinh tế giỏi.

Gặp ông vào những ngày này, trời Quảng Bình nắng như đổ lửa, ở cái tuổi “lục tuần” đáng nhẽ được nghỉ ngơi nhưng ông lúc nào cũng bận rộn, mải mê chăm chút cho đàn cá dưới ao, bầy lợn trong chuồng… không lúc nào ngơi tay.

Kỷ niệm về những năm tháng tham gia TNXP trong ông vẫn thật sôi nổi và đáng nhớ. Đó là khi chàng trai trẻ 18 tuổi Nguyễn Lương Lộc lên đường vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa tham gia lực lượng TNXP thuộc đơn vị C3, D2 đoàn 104 với nhiệm vụ phá núi, mở đường vận tải cho bộ đội hành quân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đất nước hoàn toàn được giải phóng, ông trở về quê hương, thành lập gia đình với hai bàn tay trắng, nhà nghèo lại đông con, trong số 7 đứa con nheo nhóc bệnh tật, có hai người không có khả năng lao động vì di chứng của chất độc da cam /dioxin nên gia cảnh rất khó khăn. Hai vợ chồng ông quanh năm suốt tháng làm quần quật ngoài đồng, xoay đủ nghề, từ đi làm thuê, phụ hồ, thợ xây… đủ cả, nhưng vẫn không đủ ăn, khó khăn chồng chất. Nhiều lúc trái gió trở trời căn bệnh thần kinh liên sườn, đa khớp… khiến ông đau nhói. Nhưng vì thương các con ông không thể chịu cảnh khốn khó mãi được, cuối cùng ông cũng đã gạt bỏ mọi nghề cũ để đi đến một quyết định, với ông đó là một quyết định sáng suốt, bằng nghị lực phi thường của người lính cụ Hồ năm xưa: Năm 2003, ông lên UBND phường xin khai hoang 11.000m2 đất rừng đầy lau lách ở Tiểu khu 8 phường Bắc Lý để làm trang trại mở rộng mô hình VAC chăn nuôi gà, vịt, lợn, kết hợp mô hình lúa – cá.

Ban đầu nguồn vốn rất khó khăn, không biết lấy đâu ra hàng chục triệu đồng để cải tạo đất, vốn mua con giống, ông đã mạnh dạn đi vay Ngân hàng hơn 60 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của các đoàn thể như: Hội cựu TNXP TP Đồng Hới, Hội cựu chiến binh, Hội khuyến học, tiền tiết kiệm của gia đình được 15 triệu đồng nữa, ông đã dồn sức vào thuê máy về đào ao thả cá, cải tạo xây dựng chuồng trại kiên cố, mua giống về thả. Bất chấp, ngày nắng cũng như ngày mưa hai vợ chồng ông suốt ngày lam lũ. Gia đình ông còn quy hoạch 8 sào lúa nước vừa để sản xuất lương thực vừa kết hợp mô hình trồng lúa - cá, nuôi lợn nái, lợn con và lấy phân nuôi cá…Cứ thế hàng năm ông đã phát triển từ 3 lên 5 hồ cá, đàn lợn của gia đình ông tăng từ 30 đến 50 con lợn nái, lợn bột thay nhau xuất chuồng. Mỗi năm gia đình ông bán ra trên 10 tấn cá, lợn cho thu nhập lãi ròng từ 50 đến 60 triệu đồng. Nhờ vậy đến nay, gia đình ông đã trả được hết nợ, đời sống của gia đình ông đã không còn khó khăn, có nhà cửa đàng hoàng, có của ăn của để.

Ngoài việc làm ăn phát triển kinh tế, có thời gian ông Lộc còn là người luôn tiên phong, nhiệt tình trong việc xây dựng các tổ chức, đoàn thể như: Hội khuyến học, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân…Hiện nay ông là Chi hội trưởng Hội cựu TNXP phường Bắc Lý, Chi hội của ông có 32 hội viên hoạt động đều, toàn hội viên đến nay không có hộ nghèo, nhiều gia đình thuộc diện khá giả.

Bích Huệ, Phan Đình Quân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm