Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19 bằng chuyển đổi số

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 12/11/2020 - 07:46

(Thanh tra) - Ngày 11/11 Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: NĐ

Với mục tiêu đặt câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam là trung tâm bàn thảo nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, ông Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times nhấn mạnh: Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới dự báo: Năm 2020 nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới -5,2% và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng vừa qua đã trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Ông Lâm cho biết mục tiêu của Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề: Thoát hiểm và bứt tốc trong covid-19 chính là đặt câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam vào trung tâm bàn thảo của diễn đàn nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.

Tại diễn đàn, các đại biểu khắng định: Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh, tiên tiến của khoa học công nghệ. Nhiều dự báo cho rằng, 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia.

Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế, song, đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.

Trong 6 tháng qua, chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Hiện, Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Từ khía cạnh quản lý Nhà nước, Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp. Và diễn đàn hôm nay là cơ hội để chúng ta trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những bài học thực tiễn tốt, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, tư duy về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số.

Đánh giá ở khía cạnh con người, nguồn nhân lực để phục vụ, đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn tới, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội nhận định, Việt Nam là nước có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Có 800 trường cao đẳng, trung cấp, trước đây học trực tuyến xa lạ nhưng khi Covid-19 xảy ra, học trực tuyến được áp dụng phổ biến. Lúc đầu đúng là có tâm lý lo ngại làm sao để học chất lượng, học sinh chưa được trang bị tốt, nhưng đến nay 60% các trường đã tổ chức học trực tuyến, các ứng dụng cũng sẵn có trên mạng để phát triển.

Thách thức hiện nay là thay đổi thói quen, học đi đôi với hành, thực hành liên tục với thầy cô và nhà trường. Thay đổi tất cả sẽ rất khó nhưng trước mắt chúng ta có thể thay đổi nội dung lý thuyết. Một rào cản khác đó là, dù có đông người sử dụng internet nhưng hiểu biết của người dân về công nghệ thông tin chưa cao.

Ông Dũng nhấn mạnh, rõ ràng chỉ một mình hệ thống giáo dục đào tạo tổ chức vận hành thì khó thành công, vai trò của doanh nghiệp công nghệ với thế mạnh của mình sẽ hỗ trợ xây dựng nền tảng hạ tầng. Học liệu chương trình đào tạo chuyển đổi số giúp cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm