Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường tiền tệ khó khơi thông

Thứ ba, 25/10/2011 - 09:19

(Thanh tra)- Những ngày qua, lãi suất trên thị trường liên Ngân hàng (NH) liên tiếp tăng nóng, có lúc lên đến 30%/năm, không thua gì lãi suất vay nóng tín dụng "chợ đen". Tình trạng này càng khiến Ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ đuối sức và sự kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay các doanh nghiệp giảm là khó thực hiện.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng Nguồn vốn GiadinhBank cho biết, đã có một số NH đến kỳ hạn không xoay được tiền để trả kịp nên "khất nợ" trên thị trường liên NH - điều hiếm khi xảy ra từ trước đến nay. Do vậy, các NHTM lớn bắt đầu ngại khi cho NHTM nhỏ vay kỳ hạn dài, chỉ cho vay qua đêm với lãi suất "khủng" 19 - 20%/năm. Trong khi đó, các NHTM nhỏ không có vốn để cho vay lẫn nhau khiến lãi suất thị trường này càng tăng cao.

Nhìn bề nổi của cơn sốt lãi suất trên thị trường liên NH có thể thấy, các NHTM nhỏ bị sụt giảm mạnh vốn huy động, trong khi không dám vượt rào lãi suất vì ngại NH Nhà nước (NN) xử lý nên đành cầu cứu vay vốn trên thị trường liên NH. Như vậy, dòng vốn huy động đã có sự dịch chuyển từ NHTM nhỏ sang NHTM lớn khi quy định trần lãi suất "siết" mạnh tay nay đã hiển hiện. Bên cạnh đó, NHNN đang thực hiện hút tiền đồng qua thị trường mở (OMO) đã đẩy các NHTM nhỏ vào thế khó trong giải quyết vấn đề thanh khoản. Do vậy, những ngày qua, không ít NHTM nhỏ chật vật chạy vốn trên thị trường liên NH, trong đó nhiều NHTM cho biết, họ chấp nhận vay lãi suất cao nhưng vẫn khó kiếm nguồn vay.

Một lãnh đạo NHTM nhỏ thừa nhận, NHNN vẫn sẵn sàng tái cấp vốn cho NHTM nhỏ nhưng yêu cầu phải cam kết giảm dư nợ. Trong bối cảnh đang chạy đua lợi nhuận những tháng cuối năm, tất yếu không NHTM nhỏ nào muốn bị chặn cửa tăng tín dụng. Chưa kể, hiện nhiều NHTM nhỏ vẫn chưa thể kéo giảm dư nợ phi sản xuất xuống 16%/năm cuối năm nay theo yêu cầu của NHNN vì không thể thu hồi nợ trước hạn. Khi không thể đánh đổi chỉ tiêu lợi nhuận để vay NHNN, nhiều NHTM nhỏ bắt đầu chạy đua huy động vốn vàng trong dân qua việc liên tiếp tăng lãi suất tiết kiệm vàng. NHTM lớn nằm trong nhóm 5+1 được bán vàng là kinh doanh tài khoản thực hiện tăng lãi suất để vừa giữ chân khách hàng, vừa có nguồn bán vàng ra. Trong khi đó, các NHTM dù không được phép bán vàng, nhưng vẫn huy động để gửi tiền đối ứng tại các NHTM lớn. Đây được xem là hình thức thế chấp lấy uy tín có thể vay vốn kỳ hạn dài trên thị trường liên NH.

Thực tế các NHTM hiện đang đối phó với trần lãi suất theo kiểu "siết đầu này, xì đầu kia". Khi đó, NHNN cũng không thể chạy theo mãi để "bịt" kẽ hở của thị trường. Đã đến lúc NHNN phải phân loại "sức khỏe" của các NHTM, đồng thời các NHTM nhỏ phải tự thừa nhận mình "yếu" đến đâu để cùng phối hợp với NHNN đề ra lộ trình chữa dứt bệnh. Chỉ có thể giải quyết được sự bất ổn của thị trường tài chính khi loại bỏ được tình trạng kinh doanh NH đang phục vụ cho các  nhóm lợi ích.

                       
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ


Nhiều ý kiến lo ngại khi có sự chênh lệch quá cao giữa lãi suất trên thị trường liên NH so với lãi suất thị trường tiền gửi kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng các NHTM sẵn sàng “vượt rào” trên thị trường lãi suất tiền gửi để ít bị chi phối từ thị trường liên NH. Hình thức lách luật tất yếu cũng sẽ tinh vi hơn. Đặc biệt, khi lãi suất huy động trên thị trường liên NH cao, vốn cũng không bơm ra được. Mới đây, tại cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại TP HCM,  bà Trần Thanh Hoa, Tổng Giám đốc ABBank thừa nhận, lãi suất cho vay hiện nay cao và doanh nghiệp không vay khiến dư nợ cho vay của các NHTM đang giảm. Còn, ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB cho rằng: "Thời gian qua với hiện tượng bề ngoài NH huy động lãi suất 14%/năm, nhưng cho vay lên đến 20%/năm khiến nhiều người cho rằng, NHTM đang quá lãi. Nhưng thực tế trong NH đang tồn tại 2 giá vốn với những mức tiền gửi ngầm lên đến 20%/năm. Lãi suất quá cao, mặc dù chưa "chết" ngay vì thiếu vốn nhưng doanh nghiệp cứ "ngắc ngoải" qua ngày".
   
Về vấn đề này, theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc OCB, nếu kéo dài biện pháp hành chính sẽ gây phản ứng phụ. Hiện, việc thực hiện nghiêm trần lãi suất đã gần như đi vào quy củ, lạm phát đang có xu hướng giảm nếu có lập trần cho vay chỉ nên thực hiện với những đối tượng vay ưu tiên như khu vực sản xuất kinh doanh. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu đã áp trần lãi suất huy động nên áp trần lãi suất liên NH để đồng bộ, tránh tình trạng NHTM lớn kiếm lợi lớn "trên lưng" NHTM nhỏ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, việc áp trần lãi suất huy động tiền gửi cả với VND và USD là việc làm "bất đắc dĩ" khi những giải pháp thị trường trong điều hành không phát huy tác dụng. Sự uốn nắn của giải pháp hành chính sẽ có hiệu quả nhất định và tất yếu khi kéo dài sẽ có tác dụng phụ. Thời điểm hiện tại chưa phù hợp để tháo trần lãi suất, nhưng cũng không thể áp thêm trần mới. Bởi, thị trường lãi suất liên NH sẽ tiếp tục méo mó và càng gia tăng thêm chi phí cho các NHTM. Khi đó, người vay vốn sẽ là người lãnh hậu quả.
       
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế điều hành hiện nay của NHNN vô hình trung đang tạo cơ hội kiếm lợi lớn cho các "đại gia" NHTM. Bởi, NHTM lớn cứ tiếp tục găm giữ vốn, tạo nên cơn “khát” vốn của các NHTM nhỏ và lãi suất trên thị trường liên NH vẫn tăng cao, bài toán giảm lãi suất cho vay khó có thể giải quyết, bế tắc thị trường tiền tệ khó được khơi thông.

  Hà Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm