Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhật Huyền
Thứ tư, 28/08/2024 - 14:01
(Thanh tra) - Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng cũng đối mặt rất lớn với ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Địa phương này đang triển khai các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Thu hút công nghệ cao để chuyển đổi sang kinh tế xanh. Ảnh: Nhật Huyền
Những bước đi chủ động
Trước những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự chuyển hướng phát triển kinh tế, từ mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống sang phát triển kinh tế theo xu hướng xanh, xây dựng đô thị văn minh, nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng tới tương lai bền vững.
Hiện nay, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về cơ bản, khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: Phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra đầu năm 2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thành phố trên thị trường quốc tế và trong nước; với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu.
Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Định hướng phát triển bền vững trên địa bàn thành phố gồm có 17 chủ đề và triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố với 18 chủ đề.
Trong các chủ đề thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng việc xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái.
Động lực từ Nghị quyết 98
Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 (Nghị quyết 98) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đối với các chính sách liên quan đến phát triển giao thông xanh, khoản 13 Điều 6 Nghị quyết 98 quy định HĐND thành phố ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông.
Cũng liên quan đến phát triển giao thông, Nghị quyết 98 trao quyền cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện việc hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tham gia giao thông. Điều này mở ra cơ hội tốt cho các nhà đầu tư phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Về việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, theo khoản 10 Điều 5 Nghị quyết 98, tín chỉ các-bon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó.
Nghị quyết 98 cũng trao quyền chủ động cho thành phố trong việc quản lý chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, khoản 11 Điều 6 quy định: Nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được UBND thành phố xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng.
Tín hiệu tích cực
Thành phố Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai và bước đầu đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể, mang lại những tín hiệu tích cực.
Trong nỗ lực làm sạch môi trường, thành phố đã triển khai các dự án cải tạo, hồi sinh những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng như: Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hủ... Các tuyến kênh trước đây ô nhiễm nặng đã được làm sạch, không còn tình trạng ô nhiễm như trước, cảnh quan dọc tuyến kênh cũng đã được chỉnh trang sạch, đẹp.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được lãnh đạo thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, chiều dài tuyến 32,7km đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Dự án được kỳ vọng giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập cho 14.900ha đất của Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông các khu dân cư quanh tuyến kênh, tăng năng lực giao thông đường bộ và đường thủy.
Trong hoạt động sản xuất, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Trong đó, thành phố đã tập trung xây dựng những khung chính sách đồng bộ, thiết thực, bám sát thực tiễn nhằm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không", thành phố đã tổ chức trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023” nhằm tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, thành phố tổ chức triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh, thu hút sự tham gia của 100 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, với 9 nhóm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tiêu biểu gồm các sản phẩm năng lượng xanh; nông nghiệp xanh, hữu cơ; sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, giao thông xanh; đô thị xanh, thông minh; môi trường xanh; tiêu dùng xanh; tài chính xanh; du lịch xanh.
Đối với lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại 5 huyện của thành phố trong năm 2024. Đồng thời, tăng cường giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường tại các chương trình xúc tiến du lịch ở trong nước cũng như nước ngoài. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc khai thác các dịch vụ du lịch xanh, sử dụng phương tiện xanh (xe điện, xe đạp, xuồng, ghe…) trong các hoạt động du lịch.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Quảng cáo Ngôi Sao Mới là đơn vị trúng gói thầu số 01 - tổ chức chương trình Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (02/12/1964 – 02/12/2024). Giá trúng thầu chỉ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước được hơn 30 triệu đồng…
Chu Tuấn - Quang Danh
19:53 24/11/2024(Thanh tra) - “Ba nhà” ở đây là Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp trong nước đã cùng chịu thiệt suốt 10 năm qua khi phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật thuế 71.
Uyên Uyên
11:31 23/11/2024Hương Giang
09:06 23/11/2024Uyên Uyên
22:33 22/11/2024Chu Tuấn - Quang Danh
Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu
Đức Anh
Văn Thanh
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang