Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nền kinh tế Việt Nam đang đà hồi phục tăng trưởng sau nhiều khó khăn

Thanh Lương

Thứ hai, 01/07/2024 - 22:35

(Thanh tra) - Phân tích số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy toàn cảnh về bức tranh tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá đang đà hồi phục sau rất nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II và 6 tháng đầu năm đạt mức cao, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ảnh: T.L

Nắm chắc tình hình, chủ động có giải pháp ứng phó kịp thời

 Bước sang năm 2024, nền kinh tế vẫn xác định là còn rất nhiều khó khăn khi mà áp lực lạm phát trong nước tăng; rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất sẽ gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào; nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành; thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền...

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động có giải pháp ứng phó, thích ứng linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, chắc chắn trước các vấn đề phát sinh, tháo gỡ được nhiều vướng mắc đồng thời bảo đảm hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn.

Nhu cầu tại các thị trường lớn đang được cải thiện, nhu cầu hàng hóa tăng lên, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã có đơn hàng mới, vì thế hoạt động sản xuất trong nước từ đó được thúc đẩy và hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động trở lại.

Đầu tư công tiếp tục được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, thúc đẩy, thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt, giúp tăng năng lực, mở rộng sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động... đồng thời tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.

Nhu cầu nội địa từng bước phục hồi dù chưa đạt như kỳ vọng nhờ các biện pháp kích cầu; Chính phủ đang hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường được thực hiện từ đầu năm; đồng thời thực hiện giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm và đang trình Quốc hội thông qua tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm.

Tình hình kinh tế - xã hội  quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Nguồn: GSO

Điểm rõ nét hơn với kinh tế Việt Nam quý II năm 2024 tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2024 tăng 6,93%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, tăng 3,34%, đóng góp tăng 0,38 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp tăng 3,25 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,0%, đóng góp tăng 3,48 điểm phần trăm.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, trong đó khu vực vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp tăng 0,39 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp tăng 2,92 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp tăng 3,28 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực; nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì ổn định

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định. Đối với sản xuất ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm đã chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, xâm nhập mặn, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, toàn ngành hướng tới tăng trưởng ổn định. Khu vực này đã thể hiện tốt vai trò trụ đỡ cửa nền kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, đảm bảo an ninh lương thực, vừa đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu.

Đặc biệt trong quý II, các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá tốt cho thấy sự chuyển biến tích cực của nhu cầu tại các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Ảnh: Internet

Khu vực công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong quý II, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trên nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm 2023 (0,86%), giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá với tốc độ tăng đạt 10,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 14,15% đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,83% và riêng ngành khai khoáng tăng trưởng âm 9,06% do chủ trương giảm dần sản lượng khai thác khoáng sản trong nước.

Tính chung 6 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%, nhiều ngành cấp 2 có mức tăng trưởng 2 con số; nhập khẩu tăng trở lại, đảm bảo cung cấp nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất trong nước.

Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng quý II đạt 7,07%, 6 tháng đầu năm đạt 7,34%. Việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khu vực dịch vụ, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng khá.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá ở góc độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng có mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm, điều này cho thấy, người dân đã có nhu cầu chi tiêu về thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn, chi tiêu cơ bản cũng như chi tiêu cho các sở thích cá nhân được cởi mở hơn sau một thời gian dài chịu áp lực từ dịch Covid-19 dẫn tới thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng.

Để đạt được điều này, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành và địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài được cải thiện rõ nét hơn.

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng sôi động trong quý II với mức tăng 16,39%, tính chung 6 tháng tăng trưởng 16,89%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 11,63 tỷ USD... cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi rõ nét.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

(Thanh tra) - Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, ngày 15/12, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.

Nguyễn Điểm

17:59 15/12/2024
Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm