Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2022 phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên

Phương Hiếu

Thứ sáu, 17/12/2021 - 19:05

(Thanh tra) - Thông tin trên được công bố tại “Hội nghị Đánh giá kết quả năm 2021 và bàn các giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản cho năm 2022” do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) tổ chức ngày 17/12/2021.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cao Cam

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 2021 là năm đầy biến động, đặc biệt là dịch bệnh Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, từng có thời điểm các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa vì thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, những nhà máy mở cửa sản xuất theo “3 tại chỗ" cũng chỉ đạt công suất từ 30 - 50%. Thế nhưng ước tính giá trị xuất khẩu lâm sản cả năm 2021 sẽ đạt 15,6 tỷ USD, xuất siêu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4 % so với năm 2020. Con số này vượt xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 14 tỷ USD.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, trong 11 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 14,27 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020, trong đó nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Gỗ và lâm sản được xuất sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất là vào Hoa Kỳ, đạt tới 9,1 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 21,4 % so với năm 2020. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 trong các thị trường mua đồ gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu vào thị trương này đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 14,4 % so với năm 2020; Hàn Quốc đạt 0,95 tỷ USD, tăng 5,7 % so với năm 2020. “Điều này cho thấy các doanh nghiệp chế biến đã tranh thủ tận dụng thời cơ phát triển mở rộng thị trường trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và cơ hội từ các hiệp định AFTA mà Việt Nam tham gia”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, năm 2021 là một năm đầy biến động, nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, thu hẹp quy mô sản xuất. Việc chậm trễ trong giao hàng cho đối tác khiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ lao dốc, các mục tiêu phát triển của ngành mà Chính phủ đề ra có tín hiệu không hoàn thành.

Nhưng đến thời điểm này, theo ông Lập, bức tranh của ngành đã chuyển từ màu xám sang màu sáng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2021 tăng 34% so với kim ngạch của tháng 10, trên 90% lao động của ngành hiện đã quay trở lại sản xuất.

Ông Lập cũng cho biết, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngành Gỗ sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan chứ năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung gỗ nhập khẩu, gian lận thương mại, kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI có tính rủi ro cao.

Đồng thời, kiến nghị Nhà nước sớm cho các doanh nghiệp ngành Gỗ được tiếp cận với nguồn vắc xin Covid để tiêm mũi thứ ba cho lao động trong ngành.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cùng “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước.

Về nhiệm vụ năm 2022, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình các FTA song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia FTA được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến sản xuất tiêu dùng sẽ tiếp tục là những thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới. Do vậy, mục tiêu Tổng cục Lâm nghiệp đề ra cho năm 2022 là phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7 % so với 2021.

Cụ thể, sản phẩm gỗ 11,47 tỷ USD (tăng 5,7%); gỗ các loại 3,84 tỷ USD (tăng 5,5 %); lâm sản ngoài gỗ là 1,19 tỷ USD (tăng 7,7%). Các thị trường Hoa Kỳ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 6,8%; Nhật Bản 1,5 tỷ USD, tăng 2,1%; Trung Quốc 1,6 tỷ USD, tăng 7,4%...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm