Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống: Mặt bằng “níu” tiến độ!

Trần Quý

Thứ năm, 17/10/2024 - 00:00

(Thanh tra) - Được khởi công từ ngày 22/07/2023, theo lộ trình, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt và cầu đường bộ Đuống) sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025. Tuy nhiên, đến nay mặt bằng đang “níu” tiến độ Dự án.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống đang bị mặt bằng “níu” tiến độ. Ảnh: TQ

Ông Mai Xuân Tân, Giám đốc Dự án, đại diện chủ đầu tư dự án - Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt và cầu đường bộ Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 919.279 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) (theo quy mô giai đoạn phân kỳ) là 650,82 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 9,753 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 43,081 tỷ đồng; chi phí khác 30,289 tỷ đồng; chi phí dự phòng 195.394 triệu đồng. Dự án được chia thành 02 gói thầu: Gói thầu XL-CĐ-01 (thi công cầu đường sắt) và gói thầu XL-CĐ-02 (thi công cầu đường bộ). Dự án do Ban QLDA Đường sắt - Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

 “Sau hơn một năm thi công, gói thầu XL01 (cầu đường sắt) đã hoàn thành trụ từ T1- T5; mố cầu chui M1-3 và M1-2, hoàn thành đổ bê tông 2/3 mố cầu chui M2-1; hoàn thành 07/08 bản sàn giảm tải; di dời hệ thống thông tin tín hiệu bước 1- giai đoạn 1; hoàn thành 03/04 đoạn tường chắn bên tông cốt thép. Đang sản xuất dầm/dàn thép trong xưởng; đã sản xuất toàn bộ tấm bê tông tường chắn có cốt. Sản lượng đạt 27,1% giá trị hợp đồng (110,4/407,1 tỷ đồng)”, ông Tân cho biết.

Đối với gói thầu XL02 (cầu đường bộ) đến nay đã thi công xong phần cọc khoan nhồi của trụ T4, đang tiến hành công tác gia cố hoàn trả mái đê và các công tác chuẩn bị đổ bê tông bịt đáy (tuy nhiên mực nước lũ lên cao do các thủy điện xả lũ liên tục nên công tác thi công đang phải tạm dừng). Đã hoàn thành đổ bê tông bệ trụ T5 và trụ T3; đang đổ bê tông thân trụ đốt K1, K2.

Hiện, chủ đầu tư đang làm việc với địa phương để thuê bãi đúc dầm Super T (dự kiến bắt đầu đúc dầm từ tháng 12/2024). Sản lượng gói thầu XL02 đạt 23,19% giá trị hợp đồng (122,12/526,5 tỷ đồng).

Theo ông Tân, gói thầu XL01 cơ bản đáp ứng theo tiến độ tổng thể; gói thầu XL02 đang chậm 30 ngày do địa hình lòng sông khác nhiều so với thiết kế và do ảnh hưởng mưa lũ nên công tác thi công ở hiện trường phải tạm dừng. Đến nay, mực nước đã giảm, tuy nhiên vẫn còn cao nên không thể neo đậu được xà lan ở trụ T4. Hiện chỉ thi công được trụ T5.

Gói XL02 đang được nhà thâu thi công trụ T5 và trụ T4. Ảnh: TQ

Theo ghi nhận của PV, hiện gói thầu XL01 đang tạm dừng thi công theo quy trình bảo vệ đê điều và sẽ thi công trở lại sau ngày 31/10. Đối với gói thầu XL02, hiện nhà thầu đang triển khai thi công trụ T5 và trụ T4, còn lại hai đầu cầu chưa giải phóng được mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công.

Để triển khai thực hiện dự án, ngoài diện tích đất của các phường, xã quản lý, TP Hà Nội phải thu hồi 49,66ha của 146 hộ dân, trong đó quận Long Biên 33,3ha/58 hộ, huyện Gia Lâm 16,36ha/88 hộ. Tổng số hộ phải bố trí tái định cư 146 hộ.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, đến nay, quận Long Biên và huyện Gia Lâm mới bàn giao được một phần mặt bằng đất công cộng do địa phương quản lý, trong đó, huyện Gia Lâm mới bàn giao được 0,206 ha/16,36 ha, quận Long Biên mới bàn giao được 0,133 ha/33,3.

UBND TP Hà Nội đã phê duyệt tiểu dự án GPMB cho UBND quận Long Biên (Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 15/6/2024) và UBND huyện Gia Lâm (Quyết định số 3889/QĐ-UBND ngày 26/7/2024). Đến nay, các chủ đầu tư tiểu dự án mới bắt đầu triển khai thực hiện công tác GPMB.

Theo ông Mai Xuân Tân công tác phê duyệt tiểu dự án GPMB, công tác tái định cư phục vụ dự án đã bị chậm tiến độ khoảng 7 tháng so với chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Thông báo số 546/TB-VP ngày 30/11/2023 và Thông báo số 176/VP-TBNT ngày 26/7/2024 và đang tiếp tục chậm, dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đang chậm so với kế hoạch đề ra.

“Theo thiết kế đươc duyệt, gói thầu XL02 sẽ được thi công theo phương pháp đúc hẫng (công nghệ thi công kết cấu nhịp cầu bê tông cốt thép dự ứng lực bằng phương pháp đúc bê tông các khối dầm liên tiếp từ hai phía), do vậy, khi các trụ cầu hoàn thành mà chưa có mặt bằng thì không thể thi công. Do vậy, tiến độ thực hiện gói thầu XL02 hoàn toàn phụ thuộc vào tiến độ GPMB”, ông Tân nói.

Đối với gói thầu XL01, theo ông Tân sẽ bảo đảm tiến độ đề ra, hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, khi gói thầu XL01 hoàn thành mà gói thầu XL02 chưa hoàn thành thì chưa thể tháo dỡ được cầu Đuống cũ (cả đường sắt và đường bộ).

Chưa có mặt bằng dẫn đến gói thầu XL02 không thể thi công 2 đầu cầu. Ảnh: TQ

Theo kế hoạch triển khai thực hiện công tác GPMB được duyệt của UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm, công tác GPMB sẽ hoàn thành, bàn giao mặt bằng trong quý IV/2024. Tuy nhiên đến tháng 7/2024, UBND TP Hà Nội mới phê duyệt tiểu dự án GPMB. Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, thay đổi về trình tự và thủ tục công tác GPMB. Ngày 06/9/2024, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND ban hành Quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 20/9/2024. UBND quận Long Biên, huyện Gia Lâm đang xây dựng quy trình nội bộ về trình tự, thủ tục khi thực hiện công tác GPMB. Do đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa có cơ sở để điều chính kế hoạch thực hiện công tác GPMB.

Công tác tái định cư phục vụ Dự án, ngày 04/10/2024, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết để UBND TP Hà Nội đầu tư thực hiện dự án tái định cư (thời gian thực hiện 2026-2028). Với tiến độ nêu trên, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống sẽ chậm ít nhất khoảng 03 năm so với tiến độ được duyệt hoàn thành năm 2025.

Đối với việc GPMB giai đoạn 2 (theo quy hoạch), Bộ Kế hoạch đầu tư (KH&ĐT) đã có Văn bản số 6731/BKHĐT-PTHTĐT ngày 22/8/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ tham mưu về việc hợp vốn với địa phương để thực hiện GPMB giai đoạn 2. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, kiến nghị của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 6106/BGTVT-KHĐT ngày 12/5/2024 chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư công.

Như vậy, nếu không có giải pháp hữu hiện trong việc GPMB thì Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống sẽ chậm ít nhất khoảng 03 năm so với tiến độ được duyệt hoàn thành năm 2025. Dự án chậm tiến độ sẽ dẫn đến “đội vốn” đầu tư; đầu tư không hiệu quả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Hải Hà

22:38 12/12/2024
Bật mí ứng dụng "vạn tính năng", dùng càng nhiều "lãi" cả iPhone 16

Bật mí ứng dụng "vạn tính năng", dùng càng nhiều "lãi" cả iPhone 16

(Thanh tra) - Không những hỗ trợ giao dịch tài chính - ngân hàng, VietinBank iPay Mobile còn mang tới nhiều trải nghiệm thanh toán số “all-in-one” từ A-Z, cùng với nhiều ưu đãi và quà thưởng vô cùng hấp dẫn dịp cuối năm, nổi bật nhất là cơ hội sở hữu iPhone 16.

Theo VietinBank

21:25 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm