Theo dõi Báo Thanh tra trên
Công Thắng - Thành Nam
Thứ tư, 04/12/2024 - 17:49
(Thanh tra) - Trên thực tế các cảng hàng không là một dạng độc quyền do đều nằm trong sự quản lý, điều hành của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - trừ Sân bay Vân Đồn, do đó, nhất thiết phải có vai trò giám sát, quản lý của Nhà nước không để tình trạng "muốn làm gì thì làm", "muốn thu gì thì thu", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng
Lối đi riêng của cảng hàng không có còn là… ưu tiên?
Sau khi Báo Thanh tra đăng bài “Vietjet và Tre Việt cùng lên tiếng về việc thu “phí chồng phí” của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng”, chúng tôi đã nhận được Công văn 4705/CHKQTĐN-BBT của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Nội dung công văn cho rằng, đơn vị có đủ điều kiện pháp lý để triển khai thu tiền dịch vụ sử dụng lối đi ưu tiên tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu của cảng hàng không. Việc làm này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Trước đó, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng có văn bản thông báo với các hãng hàng không về việc từ ngày 1/12/2024 sẽ triển khai thu phí dịch vụ đối với hành khách sử dụng lối đi ưu tiên để kiểm tra an ninh soi chiếu tại Nhà ga T1.
Theo đó, tại Nhà ga T1 Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng sẽ quy hoạch khu vực lối đi riêng (lối đi ưu tiên) dành cho khách có nhu cầu kiểm tra an ninh soi chiếu nhanh, không phải chờ đợi. Tại đây, sẽ đặt biển báo hướng dẫn, bố trí lực lượng kiểm soát an ninh và trang bị máy móc thiết bị chuyên dùng để tiến hành kiểm tra soi chiếu an ninh riêng theo quy định. Hành khách phải trả 100.000 đồng khi sử dụng dịch vụ này, trẻ em dưới 2 tuổi được miễn phí, trẻ em từ 2-12 tuổi được giảm 50% phí dịch vụ. Lý do giải thích cho dịch vụ này được phía Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đưa ra là để giúp hành khách không phải xếp hàng chờ đợi, giải tỏa nhanh lối vào cửa kiểm soát an ninh, tránh ùn tắc cục bộ lúc cao điểm.
Ngay sau khi có thông báo về cách làm nêu trên, nhiều hãng hàng không trong nước đã lên tiếng không đồng tình.
Trong văn bản phúc đáp Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Vietjet cho rằng: Căn cứ vào Thông tư 53/2019/TT-BGTV, các hạng mục liên quan đến phí, thuế và giá dịch vụ là hạng mục do Nhà nước quy định và tất cả các hành khách đã thực hiện nghĩa vụ chỉ trả thuế và giá dịch vụ khi mua vé máy bay. Cũng căn cứ vào mục 3 Điều 12 của Thông từ 53/2019/TT-BGTVT, mức giá dịch vụ bảo đảm anh ninh hành khách, hành lý đã được quy định trong mục a là 18.182 đồng/hành khách. Mức giá này đã bao gồm các dịch vụ soi chiếu an ninh hành khách, hành lý tại điểm an ninh kiểm tra soi chiếu.
"Như vậy, hành khách đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền cho giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, nên việc yêu cầu hành khách trả thêm tiền cho giá dịch vụ sử dụng lối đi ưu trên cơ sở hạ tầng hiện có của sân bay là đi ngược lại các quy định bình ổn về giá, phí, thuế của Nhà nước và sẽ đẩy giá vé lên cao", Vietjet cho biết.
Cũng cho rằng việc thu phí thêm của Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng là không hợp lý, Hãng Hàng không Bamboo Airways cho rằng, Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 về việc quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, tại Điều 12, khoản 3 đã đưa ra quy định mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý (PSSC) mà không có sự phân biệt giữa lối soi chiếu an ninh ưu tiên và lối soi chiếu an ninh thông thường và chỉ áp dụng chung một mức giá cho tất cả đối tượng hành khách. Hiện tại các cảng hàng không từ ngày Thông tư 53/2019/TT-BGTV có hiệu lực, cho đến thời điểm hiện nay luôn duy trì đồng thời các lối soi chiếu an ninh ưu tiên và lối soi chiếu an ninh thông thường.
"Việc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đơn phương thu thêm giá, đối với một số đối tượng hành khách sử dụng lối đi ưu tiên trên thực tế đã làm giá PSSC cao hơn, không đúng so với mức quy định của Nhà nước", phía BamBoo Airways nêu quan điểm.
Nêu quan điểm về sự vướng mắc nêu trên, luật sư Bùi Đức Nhã - Công ty Luật TNHH Tuệ Anh nói: “Ở đây, giữa hai cơ quan kể trên đang có sự đối lập về quan điểm áp dụng pháp luật. Cụ thể, theo quan điểm của Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng và các hãng hàng không, thì có sự đối lập về quan điểm thi hành pháp luật. Cảng hàng không cho rằng đây là phí riêng của lối đi riêng, và không liên quan gì đến phí, thuế và giá dịch vụ là hạng mục do Nhà nước quy định, tất cả các hành khách đã thực hiện nghĩa vụ chỉ trả thuế và giá dịch vụ khi mua vé máy bay mà các hãng hàng không đã thu của khách”.
Như vậy, nếu việc thu phí trên đi vào thực tiễn, khách hàng khi mua vé máy bay phải thanh toán giá dịch vụ bảo đảm anh ninh hành khách, hành lý đã được quy định trong mục a là 18.182 đồng/hành khách, và nếu khách hàng dùng dịch vụ lối đi ưu tiên để kiểm tra an ninh soi chiếu tại Nhà ga T1 thì sẽ phải trả thêm 100.000 đồng/hành khách. Như vậy, thực tế khách sẽ phải trả 118.182 đồng cho dịch vụ kể trên, Luật sư Nhã phân tích.
Theo quy định lối đi ưu tiên phục vụ cho các đối tượng theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, và hành khách là đối tượng chính sách xã hội như người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai… Vậy khách hàng trả thêm 100.000 đồng sẽ được sử dụng lối đi này, thì thực sự lối đi này có còn phục vụ được những đối tượng cần ưu tiên kể trên, nếu lượng khách đăng ký trả thêm 100.000 đồng quá nhiều(?).
Ngoài ra, lối đi ưu tiên trong một số trường hợp phục vụ các đoàn Công tác cấp nhà nước, nhiệm vụ đặc biệt, nếu sử dụng như một lối đi thương mại thông thường liệu rằng các công tác kể trên có được đảm bảo, có đảm bảo an toàn cho các đối tượng đặc biệt? Luật sư Bùi Đức Nhã nêu câu hỏi.
Tùy tiện và trái thông lệ quốc tế
Về vấn đề nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang cho biết, thực tế từ lâu ngành Hàng không đều đã có việc ưu tiên dành cho khách mua vé hạng thương gia hoặc khách có thẻ có tính ưu tiên hơn, trong đó bao gồm cả ưu tiên trong soi chiếu an ninh. Đó là thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc quy định phải bỏ phí để sử dụng lối đi ưu tiên để kiểm tra an ninh soi chiếu đang cho thấy tư duy "phần anh, phần tôi - anh được lợi thì tôi cũng phải được lợi" và tư duy cái gì cũng có thể được giải quyết bằng tiền.
"Hiện nay, Đà Nẵng là 1 trong số 4 sân bay của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý có lãi, vậy thì lý do gì mà thu thêm phí đối với hành khách, trong khi không dựa trên bất kỳ quy định nào? Hơn nữa, nếu có quy định thì cần phải thực hiện thống nhất trong cả nước, ở tất cả các sân bay chứ không riêng gì mình Đà Nẵng", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu ý kiến, đồng thời cho rằng nếu áp dụng quy định này sẽ giảm sức hút của Đà Nẵng và gây thiệt hại cho ngành du lịch rất lớn.
Người ta không hiểu gì về chính sách công nên quy định một cách tùy tiện, chỉ nghĩ đến túi tiền của mình mà không tính toán đến bức tranh chung. Bởi vậy, nếu áp dụng quy định trên, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng có thể thu thêm 1 đồng, nhưng cả ngành hàng không, cả du lịch Đà Nẵng và cả sự phát triển của Đà Nẵng bị mất đi nhiều đồng khác. Thế nên đừng tham lợi nhỏ riêng mà gây thiệt hại cho lợi ích chung.
Về lý do thu phí để giúp hành khách không phải xếp hàng chờ đợi, tránh ùn tắc cục bộ lúc cao điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng là "rất vô lý", bởi đó là trách nhiệm nghiễm nhiên của ACV với tư cách đơn vị quản lý, khai thác sân bay, không thể lấy trách nhiệm của ACV để biện minh cho việc thu thêm tiền được. Mặt khác, việc thu phí đối với hành khách cho lối đi riêng đó, làm cho những khách thông thường phải bị ùn tắc nên chậm hơn, dù họ đến làm thủ tục sớm.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, trên thực tế các cảng hàng không là một dạng độc quyền do đều nằm trong sự quản lý, điều hành của ACV (trừ Sân bay Vân Đồn), do đó, nhất thiết phải có vai trò giảm sát, quản lý của Nhà nước để chống độc quyền, không thể để tình trạng "muốn làm gì thì làm", "muốn thu gì thì thu". Trong tình huống này, Cục Hàng không Việt Nam cần sớm có tiếng nói để chấn chính những điều vô lý.
Trong tương lai nhất thiết phải có sự cải tổ trong việc quản lý, khai thác, sử dụng các cảng hàng không hiện nay, để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không và khai thác hiệu quả các giá trị mà cảng hàng không mang lại.
Các cảng hàng không có vai trò độc quyền, các hãng bay không có quyền lựa chọn sân bay. Nhưng các sân bay này cũng là độc quyền của ACV, điều đó rất là vô lý, tôi cho rằng phải cải tổ lại quản lý các sân bay, không tập trung cho ACV. Mỗi sân bay nên là một công ty hàng không tại địa phương đó, có chính quyền địa phương tham gia, bởi vì có các quyền lợi và hợp tác qua lại giữa sân bay và địa phương.
Mỗi cảng hàng không cần phải do một công ty cổ phần quản lý, khai thác và sử dụng. Công ty đó có các cổ đông gồm cả Nhà nước trung ương, chính quyền địa phương mà sân bay đứng chân, và tư nhân tham gia. Chúng ta nói về phân cấp phân quyền mà không có sự tham gia của địa phương trong quản lý, khai thác sân bay trên đất của họ thì quả là chưa phù hợp. Hơn ai hết, chính địa phương họ hiểu rằng cần phải làm gì để đem lại giá trị tốt nhất cho mình. Với cách làm này, vừa phù hợp với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và đem lại hiệu quả cao hơn. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống góp ý thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 4/12, thông tin từ Cục Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã liên tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chuyển 1 vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.
Thu Huyền
22:52 04/12/2024(Thanh tra) - Ngày 4/12, Sở Công Thương Hải Phòng tổ chức Lễ phát động chợ livestream bán hàng – Hải Phòng 2024 nhằm cụ thể hoá chương trình ứng dụng thanh toán số và thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Kim Thành
22:41 04/12/2024TCBC
18:11 04/12/2024Công Thắng - Thành Nam
17:49 04/12/2024Trần Quý
17:27 04/12/2024Trần Quý
17:04 04/12/2024Trọng Tài
Thu Huyền
Bùi Bình
Phương Hiếu
Văn Thanh
Kim Thành
Bùi Bình
Cảnh Nhật
Lê Hữu Chính
Trung Hà
Hương Giang