Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 24/04/2012 - 20:14
Rất nhiều những kiến nghị từ doanh nghiệp bất động sản tới nhà chính sách và phía nhà băng đã được đưa ra và ghi nhận, song, ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng đây chính là thời điểm để doanh nghiệp tự tái cơ cấu mình.
Hội trường VCCI sáng 24/4 (ảnh B.D)
Khác thường lệ, Diễn đàn bất động sản tổ chức tại hội trường tầng 7 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 24/4 chật kín nhà đầu tư, các đại diện từ công ty bất động sản cũng như đại diện cơ quan nhà nước, các chuyên gia kinh tế.
Dường như với chủ đề “Bất động sản 2012: Cơ hội trong khủng hoảng”, người tham dự kỳ vọng nhiều về một thứ “ánh sáng” có thể đưa bản thân và doanh nghiệp thoát ra khỏi thời kỳ được cho là “khó khăn đến cùng cực”, thời kỳ “bán lược cho sư” như hiện nay hơn bao giờ hết, khi mà báo cáo tài chính, hàng loạt doanh nghiệp tăng trưởng âm, thậm chí phá sản.
Giá trị hiện tại ròng của bất động sản bị âm
Lấy dẫn chứng, CTCP Sông Đà Thăng Long, đến cuối năm 2011, số nợ ngắn hạn của công ty lên tới trên 2.800 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm cả 1.200 tỷ từ người mua trả tiền trước. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 235 tỷ đồng.
Hay như trường hợp của CTCP Địa ốc Hoàng Quân, nợ ngắn hạn đến cuối năm 2011 gần 1.800 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 712 tỷ đồng, tiền mặt và tương đương tiền cuối quý 4/2011 vỏn vẹn 11 tỷ đồng.
Thậm chí, đến “ngách” đầu tư được cho là thức thời hơn, tức vào bất động sản sinh thái, như INT Group thì cũng đã phải bỏ tới 8/10 dự án mà trong tương lai không đem lại được tiền của cho mình, chỉ tập trung vào những dự án trọng điểm - ông Lê Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bộc bạch.
Theo thông tin từ ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam thì giá bất động sản thời gian qua được chào bán rất thấp, theo tính toán thì giá trị hiện tại ròng đã bị âm. “Điều đó có nghĩa là hiệu quả dự án không còn và các chủ đầu tư phải đánh đổi quá nhiều để chấp nhận bán với mức giá đó”.
Thống kê từ Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư bất động sản đều có tỉ trọng vốn đầu tư là vốn vay ngân hàng lên đến 70-80%. Do vậy, để thoát khỏi khó khăn thì một số doanh nghiệp đã phải chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án hay thực hiện “bán lúa non”, mua bán sáp nhập qua thị trường chứng khoán để thu hồi vốn.
Tại ai?
TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV (ảnh: B.D)
Tham gia vào phần thảo luận, Luật sư Trần Vũ Hải, từng là nhà đầu tư, tỏ ra khá bức xúc trong phần nêu ý kiến của mình. Ông nói ra ý kiến được cho là khá “tiêu cực và bi quan” khi cho rằng, bất động sản sẽ còn khó ít nhất 2 năm nữa – tuy nhiên không phải không có lý riêng.
“Tôi có nhiều tiền, tôi cũng không mua, mua làm gì. Giờ phải giảm một lượng 50% cho cao cấp, 30% cho hàng bình dân, nếu không cứ đợi đến năm 2014 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản”.
Ông Hải nói khá gay gắt “Các doanh nghiệp tham lam, xây dựng lộn xộn, sản phẩm hiện nay có vấn đề, tranh chấp, chất lượng không cao, không tạo yên tâm cho người mua. Nếu muốn tồn tại lâu thì anh phải quan tâm chất lượng”.
Đồng thời, ông cũng “kêu ca” rằng phía nhà chính sách cũng “tham lam” khi thuế đất mà doanh nghiệp phải trả là cao quá. Trong khi đó, tín dụng bị siết chặt, doanh nghiệp khó mà ngân hàng cũng khó.
“Trong cơ chế khó khăn kinh tế, Nhà nước cần phải thông cảm với doanh nghiệp… Ngân hàng giảm lãi suất huy động mà lãi suất cho vay cao, đây là lúc cần thiết có sự can thiệp của Chính phủ”.
Ngừng trách móc, đòi hỏi và nhìn lại
Song, đứng về góc độ người cho vay, ông Cấn Văn Lực từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, trên thực tế, chỉ 30% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng còn 70% vẫn tiếp cận được.
Nguyên nhân thì có nhiều: có doanh nghiệp kêu còn có nhiều thủ tục vay rườm rà, một nửa số doanh nghiệp thì vì thiếu tài sản thế chấp, còn 1/3 doanh nghiệp phản ánh lý do chính là lãi suất cao, không vay nổi...
Tuy nhiên, ông Lực thẳng thắn, doanh nghiệp phải xem lại mình vì hoạt động còn thiếu minh bạch tài chính, chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn, còn chộp giật nhiều, quản lý theo kiểu gia đình, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỷ luật sử dụng vốn vay và không trả đúng hạn.
“Tôi đã nghiên cứu 18 ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam chiếm thị phần 82%, cho thấy, lợi nhuận của các các ngân hàng năm vừa rồi lại không đến từ khoản tiền cho các doanh nghiệp vay mà chủ yếu lại từ đầu tư trái phiếu và cho vay lẫn nhau” – ông Lực thẳng thắn.
Việc vốn cho vay ra không nhiều không phải hoàn toàn do khó tiếp cận mà do cầu yếu. Lãi suất 16% nhưng vẫn ít doanh nghiệp vay vì không có đầu ra thì không vay để làm gì. Vì vậy, các biện pháp tái cơ cấu kinh tế cần phải được thực hiện nhanh hơn nữa mới giải quyết tận gốc vấn đề.
Riêng “hiến kế” cho doanh nghiệp, ông Lực khuyến nghị thứ nhất phả cắt giảm chi phí; nhìn ra bên ngoài thị trường truyền thống; sử dụng biện pháp tiếp thị ít tốn kém; liên kết kinh doanh để tận dụng “trí khôn đám đông”, kiểm soát chặt chẽ bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng…
Và theo ông, ngoài kiến nghị với nhà nước với ngân hàng thì trong thời điểm này, doanh nghiệp phải tự thấy được đó là cơ hội để tự nhìn ra mình và thay đổi, như cách nói của một nhà đầu tư trước đó, nên ngừng trách móc và đổ lỗi cho nhau.
(Theo Dân trí)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.
Chính Bình
16:53 13/12/2024(Thanh tra) - Thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu khiến Công ty TNHH Giáp Bình chứng kiến nợ vượt xa vốn và gia tăng nguy cơ phá sản.
Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng