Xử lý kịp thời nhiều vấn đề mới phát sinh
UBND tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đã quán triệt sâu sắc, nhận thức về trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương.
UBND tỉnh đã ban hành 38 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh tình hình KN, TC, điều chỉnh kịp thời công tác giải quyết KN, mang lại hiệu quả thiết thực về chuyên môn và pháp lý; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải quyết KN, TC.
Cùng với việc phổ biến, quán triệt, các cấp, ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, KN, TC, nhất là tại cơ sở. Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn. Qua công tác tuyên truyền, đã nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết KN, TC trong các ngành, các cấp. Do đó, nhiều vấn đề mới phát sinh được xử lý, giải quyết kịp thời.
Đặc biệt, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong công tác tiếp công dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự phục vụ các kỳ họp của Quốc hội, đại hội Đảng, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thành lập tổ công tác triển khai nhiều giải pháp tiếp, vận động để các hộ dân trở về địa phương, duy trì tổ công tác tại Hà Nội nắm tình hình báo cáo thường xuyên với UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý...
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của UBND tỉnh cho thấy, tổng số lượt tiếp công dân trên địa bàn là 81.884 lượt với 90.337 người. Trong đó, tiếp dân thường xuyên 56.618 lượt với 66.027 người; tiếp định kỳ và đột xuất xuất của lãnh đạo là 25.266 lượt với 24.310 người. Số vụ việc tiếp là 80.587, gồm 41.331 vụ việc mới, 39.256 vụ việc cũ, có 824 đoàn đông người với 4.283 người.
Toàn tỉnh đã tiếp nhận 23.017 đơn, trong đó có 2.492 đơn thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 2.415/2.492 đơn, đạt tỷ lệ 96%. Cụ thể, giải quyết 1.878/1.943 đơn KN, 129/132 đơn TC và 408/417 đơn phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Kết quả giải quyết KN đã khôi phục quyền lợi cho công dân với số tiền 26.971 triệu đồng, 46 nền tái định cư, 4.702m2 đất; kiểm kiểm, phê bình 2 cá nhân. Qua giải quyết TC đã thu hồi cho Nhà nước số tiền 328,21 triệu đồng; kiểm điểm trách nhiệm 23 cá nhân và 1 tập thể; xử lý hành chính 8 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 2 trường hợp.
Chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC trên địa bàn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Quá trình giải quyết có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền rà soát, vận dụng các chính sách an sinh xã hội, các chính sách có lợi nhất để công dân đồng tình chấm dứt KN (vụ việc mới và kể cả vụ việc KN phức tạp, kéo dài).
Nhìn chung, số lượng đơn KN thuộc thẩm quyền mới phát sinh được UBND các cấp quan tâm giải quyết kịp thời, đã giải quyết 2.415/2.492 đơn, tỷ lệ 96%. Các quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành ngay, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Việc kiểm tra, rà soát các vụ việc KN phức tạp, kéo dài được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, kể cả việc rà soát thực hiện các chính sách xã hội, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn mua bán, hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và ổn định tình hình KN tại địa phương.
Đến nay, tỉnh đã kiểm tra rà soát xong 36 vụ việc; ban hành 31 văn bản, gồm 19 thông báo chấm dứt, 12 thông báo kết thúc giải quyết KN. Trong đó, có 12 công dân thống nhất chủ trương giải quyết của tỉnh và cam kết chấm dứt KN.
UBND tỉnh An Giang cho biết, kinh nghiệm rút ra qua thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, đó là phải có sự nhất trí cao trong nội bộ tỉnh và giữa tỉnh với các cơ quan Trung ương trong giải quyết dứt điểm các vụ việc KN đông người, phức tạp, kéo dài hiện nay; có cơ chế phối hợp giữa tỉnh và các cơ quan Trung ương trong giải quyết KN mang tính căn cơ, lâu dài.
Quan điểm chỉ đạo giải quyết vừa đảm bảo pháp luật, vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vừa có “cơ chế mềm”, tạo điều kiện cho Nhân dân ổn định đời sống bước đầu đã đem lại hiệu quả trong quá trình giải quyết, nhất là vận dụng trong xử lý dứt điểm các KN đông người, phức tạp, kéo dài.
Trong giải quyết đảm bảo sự đồng thuận cao giữa Trung ương với địa phương, giữa đương nhiệm và tiền nhiệm, áp dụng pháp luật phải chính xác theo từng thời điểm thích hợp, ưu tiên việc thực hiện các chính sách xã hội để đảm bảo việc chấm dứt KN...
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tăng cường việc giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp xúc, đối thoại, giải thích và hướng dẫn công dân góp phần hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng; chú trọng các trường hợp khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, đông người hoặc các trường hợp diện chính sách, người có công.