Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ án bản Mơ Tươi (Yên Châu, Sơn La): Nhiều tình tiết cần được làm rõ

Lê Phương

Thứ ba, 13/04/2021 - 15:45

(Thanh tra) - Gần 10 năm qua, ông Vì Văn Phúc, bà Lò Thị Quý (bố, mẹ đẻ tử tù Vì Văn Khiêm) đã không quản đường sá xa xôi ngày ngày từ Sơn La về Hà Nội đội đơn kêu oan cho con trai. Đại diện gia đình nạn nhân đã gửi hàng trăm lá đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án, tìm ra hung thủ đích thực của vụ án nhưng chưa được xem xét, giải quyết một cách thấu đáo.

Gần 10 năm qua, ông Vì Văn Phúc và bà Lò Thị Quý đã gõ cửa rất nhiều cơ quan gửi đơn kêu oan cho con trai nhưng chưa được xem xét, giải quyết. Ảnh: LP

Một vụ án nhiều uẩn khúc

Là luật sư (LS) được chỉ định bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, ông Vũ Đức Thuận (Văn phòng LS Thăng Long - Đoàn LS tỉnh Sơn La) cũng không đồng tình với bản án, đã liên tục có nhiều văn bản, đơn gửi các cấp đề nghị xem xét lại vụ án vì cho rằng còn nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Gần đây, Công ty Luật TNHH Hòa Lợi - Đoàn LS TP Hà Nội, sau khi nghiên cứu kỹ các tình tiết liên quan đến vụ án cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch nước đề nghị tạm dừng thi hành án tử hình đối với Vì Văn Khiêm, đồng thời kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án vì có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng và oan sai.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La, năm 1999, Vì Văn Khiêm lấy vợ là chị Lò Thị Chung và ở rể.

Năm 2000, vợ chồng Khiêm sinh được 1 người con và ra ở riêng. Sau một thời gian thì nảy sinh mâu thuẫn do Khiêm nghe tin vợ mình có quan hệ bất chính với người cùng bản nhưng chưa bắt gặp lần nào. Hỏi thì vợ không thừa nhận và thường thấy vợ có nhiều tin nhắn trong điện thoại nhưng lại không cho xem nên Khiêm càng nghi ngờ.

Tối 7/3/2013, tại Nhà văn hóa bản Mơ Tươi, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu có buổi giao lưu văn nghệ giữa hai bản Mơ Tươi và Tô Buông của xã. Chung được Chi hội Phụ nữ giao nhiệm vụ tiếp nước cho khách và tham gia văn nghệ. Khoảng 17h, Khiêm đèo Chung bằng xe máy đến Nhà văn hóa bản để rửa ấm chén và đun nước theo yêu cầu của Ban Tổ chức. 18h cùng ngày thì quay về nhà để tiếp khách vì tối đó, tại gia đình Khiêm tổ chức ăn cơm, uống rượu với một số anh em trong bản. Khoảng 19h30, Chung ăn xong trước và đến Nhà văn hóa để tiếp nước.

Đến khoảng 21h, mọi người ăn xong và ra về thì Khiêm đến Nhà Văn hóa để xem văn nghệ. Gần đến nơi, Khiêm thấy Chung cầm ấm nước đi sang nhà bố mẹ của Khiêm (đối diện Nhà Văn hóa) lấy nước. Vừa đi Chung vừa bấm điện thoại, Khiêm nghi ngờ vợ mình đang nhắn tin cho người đàn ông khác, do uống nhiều rượu và có mâu thuẫn từ trước nên Khiêm bực bội và nảy sinh ý định giết Chung.

Khi thấy Chung đi qua bể nước nhà ông Phúc (bố đẻ Khiêm), Khiêm liền theo sau và vào bếp lấy một con dao cán nhựa dài khoảng 40cm rồi tiến ra phía chị Chung chém nhiều nhát vào vùng đầu, vùng trán và vùng cổ của Chung. Sau đó quay lại bể nước rửa chân tay và con dao dính máu, nhặt điện thoại của chị Chung ném về phía hủm Măng Đắng, bỏ lại con dao gây án vào chỗ cũ.

Về đến nhà Khiêm vào nhà tắm, giặt chiếc áo sơ mi đang mặc. Lúc này khoảng 22h, thấy con trai và cháu đi chơi chưa về, Khiêm lên nhà lấy một chiếc áo khoác màu đen mặc rồi đi sang quán nhà ông Phúc thì thấy một nhóm thanh niên đang nhậu, Khiêm mua thêm nửa lít rượu rồi vào cùng uống.

Uống hết rượu, cả nhóm đến Nhà văn hóa xem văn nghệ. Khiêm ngồi ở ngoài một lúc thì đi bộ về nhà thấy con, cháu xem tivi nên giục đi ngủ sớm. Đến khoảng 0h ngày 8/3/2013, thấy mọi người trong nhà đã ngủ hết, Khiêm lấy xe gắn máy và mang theo 2 bao tải chạy tới chỗ xác chị Chung rồi mang chôn giấu ở gốc cây Cơi bên bờ suối bản Mơ Tươi rồi quay về nhà.

Đến sáng hôm sau, Khiêm thông báo cho mọi người biết tối hôm trước chị Chung không về nhà, đồng thời báo chính quyền địa phương về sự mất tích của vợ. Chính quyền địa phương cùng gia đình tổ chức truy tìm, đến 16h ngày 10/3/2013 thì phát hiện xác chị Chung dưới gốc cây Cơi dưới lòng suối chảy qua bản Mơ Tươi.

Ngày 2/4/2013, Vì Văn Khiêm bị bắt tạm giam để điều tra làm rõ.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/4/2014, Khiêm bị Hội đồng Xét xử TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt tử hình về tội “giết người”.

Sau đó Khiêm kháng cáo, kêu oan.

Đại diện phía bị hại cũng kháng cáo kêu oan cho Khiêm, cho rằng vụ án còn nhiều chứng cứ, tình tiết chưa được làm rõ và nghi ngờ thủ phạm là người khác…

Ngày 20/4/2015, tại trụ sở TAND tỉnh Sơn La, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xét xử bác kháng cáo của Khiêm, tuyên y án sơ thẩm.

Nhiều tình tiết chưa được làm rõ

Từ đó đến nay, ông Vì Văn Quý, bà Lò Thị Quý (bố, mẹ đẻ bị cáo Khiêm) không quản tuổi già sức yếu, ngày ngày từ Sơn La về Hà Nội liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng để gửi đơn kêu oan cho Khiêm.

LS Vũ Đức Thuận cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Khiêm đã một mực phủ nhận việc giết chị Chung và khẳng định bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình về tội giết người là oan sai.

Điều kỳ lạ trong vụ án này là nhiều năm qua, bà Hoàng Thị Đánh, mẹ đẻ của nạn nhân Lò Thị Chung lại là người tích cực gửi đơn đến các cấp để kêu oan cho Vì Văn Khiêm. Đến nay, do tuổi cao, sức yếu không đi lại được nhưng bà Đánh vẫn tiếp tục kêu oan cho Khiêm và mong muốn tìm ra đúng hung thủ đã giết hại con gái mình.

Cũng theo LS Vũ Đức Thuận, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, còn rất nhiều tình tiết chưa được cơ quan điều tra làm rõ.

Ngày 2/4/2013, Khiêm bị tạm giam để điều tra nhưng đối chiếu lời khai của Khiêm và hồ sơ vụ án (Bút lục 233 đến 310) thể hiện cơ quan điều tra liên tục lấy lời khai của Khiêm từ ngày 9/3/2013 đến ngày 30/3/2013 mà không có bất cứ quyết định tạm giữ hay tạm giam đối với Khiêm…

Biên bản khám xét của cơ quan điều tra chỉ tiến hành tạm giữ đồ vật, tài liệu, không niêm phong con dao gây án và chiếc áo được cho là Khiêm đã mặc trước sự có mặt của chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình. Con dao và chiếc áo sau 14 ngày mới được thu giữ. Trong thời gian này, gia đình ông Phúc đã sử dụng con dao để giết mổ động vật, còn chiếc áo phông được bà Hoàng Thị Đánh (mẹ nạn nhân) xếp ở hiên nhà nạn nhân cũng là nơi làm thủ tục mai táng cho nạn nhân sau khi nạn nhân được mổ khám nghiệm tử thi…

“Việc cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng dựa vào vật chứng là con dao và chiếc áo để kết tội Khiêm là hết sức chủ quan. Trong vụ án này, việc thu thập chứng cứ, vật chứng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã không kịp thời và đúng theo quy định”, LS Vũ Đức Thuận khẳng định.

Theo LS Vũ Văn Lợi, Công ty Luật TNHH Hòa Lợi, Đoàn LS TP Hà Nội, Vì Văn Khiêm có đầy đủ chứng cứ ngoại phạm từ chiều tối đến khoảng 23h ngày 7/3, được các nhân chứng Lò Văn Vân tại Bút lục số 433, 434, 1104; nhân chứng Lò Văn Xuân tại Bút lục 1110, 1112, 1114; nhân chứng Lò Văn Phức tại Bút lúc số 707; nhân chứng Lò Văn Đạt tại Bút lục 506, 1097; nhân chứng Vì Văn Nguyễn tại Bút lục 510, 512, 514, 516; nhân chứng Vì Văn Thơ tại Bút lục số 518… xác nhận cùng ăn cơm, uống rượu tại nhà Khiêm, cùng uống bia tại quán nhà ông Phức và cùng đến Nhà văn hóa bản Mơ Tươi xem múa xòe.

“Những lời khai của các nhân chứng đã chứng minh việc sử dụng thời gian của Khiêm từ chiều tối đến hơn 23h ngày 7/3/2013 là rõ ràng, cụ thể, có tính liên tục, không có gì bất minh. Khiêm không phải và không thể là kẻ giết người với những nguyên nhân như cơ quan điều tra quy kết”, LS Vũ Văn Lợi cho biết.

Mặt khác, cũng theo LS Vũ Văn Lợi, cơ quan điều tra cũng không tiến hành điều tra xác minh những tình tiết do gia đình “bị cáo” và gia đình nạn nhân cung cấp có liên quan đến vụ án về những biểu hiện bất minh trước, trong và sau khi xảy ra vụ án qua lời khai của các nhân chứng Vì Văn Phúc tại Bút lục số 552, 564, 572, 576; Lò Thị Quý tại Bút lục số 613; Lò Thị Ón tại Bút lục số 687, đặc biệt là lời khai của nhân chứng Phàng Lao Trư tại Bút lục số 1150, 1151 về việc khoảng gần 0 giờ ngày 8/3/2013, ông Trư có đi qua Nhà văn hóa bản Mơ Tươi.

LS Vũ Văn Lợi cũng chỉ ra một số sai lầm và vi phạm nghiêm trọng của cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án như sáng ngày 8/3/2013, gia đình trình báo đêm ngày 7/3/2013, chị Lò Thị Chung không về nhà ngủ, chỉ 1 ngày sau là ngày 9/3/2013 khi chưa biết Chung đi đâu, còn sống hay đã chết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “giết người”. Phải sau đó 1 ngày, vào lúc 16 giờ ngày 10/3/2013 mới tìm thấy xác chị Lò Thị Chung.

Tiếp nữa là, ngày 14/3/2013, Khiêm nhận tội giết vợ sau hơn 20 ngày bị thẩm vấn liên tục qua 28 biên bản ghi lời khai nhưng phải đến ngày 2/4/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam trong khi Khiêm đã bị “lưu giữ” từ ngày 10/3/2013.

Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án nhiều chứng cứ, vật chứng để buộc tội Khiêm cũng chưa được các cấp tòa xem xét toàn diện và làm rõ như: Đến nay chưa làm rõ được bộ quần áo của Khiêm khai mặc đi giết vợ, chiếc điện thoại của chị Chung hiện ở đâu và số điện thoại gọi đi và đến trong điện thoại của chị Chung như thế nào...

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng không tổ chức thực nghiệm điều tra toàn bộ hành vi giết người và giấu xác nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật mà chỉ tổ chức thực nghiệm điều tra một phần hành vi giết người tại trại tạm giam Công an tỉnh.

Mặt khác, kết quả thực nghiệm điều tra lần hai khác lần một và phải dùng biên bản hỏi cung để xác định lại…

Chính vì những lẽ trên, ông Vì Văn Phúc, bà Lò Thị Quý, đại diện gia đình bị hại cũng như LS Vũ Đức Thuận, LS Vũ Văn Lợi đã có nhiều đơn đề nghị tạm dừng việc thi hành án tử hình đối với Vì Văn Khiêm. Đồng thời, đề nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, tránh oan sai cho người vô tội.

Báo Thanh tra sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Qua đối thoại, bà Bùi Thị Nức đồng ý rút toàn bộ nội dung đơn khiếu nại (lần 2)

Hải Phòng: Qua đối thoại, bà Bùi Thị Nức đồng ý rút toàn bộ nội dung đơn khiếu nại (lần 2)

(Thanh tra) - Chiều 21/11, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Bùi Thị Hồng Vân chủ trì buổi đối thoại với bà Bùi Thị Nức có đơn khiếu nại (lần 2) gửi Chủ tịch UBND thành phố khiếu nại Quyết định số 8112/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu).

Kim Thành

19:39 21/11/2024
Bình Định: Giữ nguyên bồi thường trong vụ khiếu nại thuộc dự án đường vành đai

Bình Định: Giữ nguyên bồi thường trong vụ khiếu nại thuộc dự án đường vành đai

(Thanh tra) - Quyết định số 4001/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định khẳng định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với ông Nguyễn Văn Sang là đúng quy định pháp luật. Quyết định giữ nguyên các nội dung trước đó, đồng thời bác bỏ các khiếu nại của ông Sang về việc yêu cầu bồi thường theo loại đất ở, bồi thường 100% giá trị ngôi nhà và giao đất tái định cư diện tích 100m².

Hoàng Hiệp

19:17 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm