Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hưng Yên thành lập đoàn thanh tra tại thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm

Hiếu - Hải

Thứ tư, 12/07/2023 - 17:00

(Thanh tra)- Đó là đề nghị của Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 7/2023 đối với vụ việc của các ông, bà: Ngô Văn Mai, Bùi Văn Tuấn, Bùi Văn Đương, Nguyễn Thị La, Lê Thị Thanh Tâm, đại diện cho một số hộ dân trú tại thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, vào ngày 10/7.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 7/2023. Ảnh: TH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam; Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cùng đại diện Cục Thanh tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I và các sở, ban, ngành tỉnh Hưng Yên tham dự buổi tiếp công dân.

Vụ việc của các ông, bà: Ngô Văn Mai, Bùi Văn Tuấn, Bùi Văn Đương, Nguyễn Thị La, Lê Thị Thanh Tâm, đại diện cho một số hộ dân trú tại thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm là vụ việc được Báo Thanh tra theo sát từ năm 2018 và có nhiều bài viết phản ánh.

Tại buổi tiếp công dân, ông Ngô Văn Mai trình bày: Các hộ dân có đơn đều sinh sống tại thôn Chí Trung, thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm; được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vườn trang trại với mục đích là “đất nông nghiệp khác”. Các hộ dân đã sử dụng làm trang trại phát triển kinh tế từ nhiều năm nay.

Giai đoạn đầu, hộ ông Ngô Văn Mai đã được khen thưởng như một điển hình về nông dân sản xuất giỏi. Sau 1 thời gian ngắn, bao nhiêu tiền của đầu tư trồng cây lâu năm đều bị đất "phụ bạc" vì cây không thể cho trái do đất ô nhiễm.

Tất cả các hộ dân nơi đây đều không thể canh tác được vì thiếu nước, vì ô nhiễm từ các nhà máy xung quanh, sản xuất nông nghiệp liên tục thua lỗ, có những gia đình còn phải bán nhà để trả nợ ngân hàng vì vay mượn để làm vườn trại; đất đai thì có nhưng người dân lại để mặc cho đất nông nghiệp trở thành đất hoang gây lãng phí tài nguyên đất.

Trước tình hình trên, để tồn tại, mưu sinh, buộc những người nông dân phải bỏ nghề, chuyển sang làm sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp dù không có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về công việc mới này.

“Chúng tôi buộc phải xây dựng trên đất nông nghiệp để tiếp tục mưu sinh. Việc này là phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với tình hình đô thị hóa của tỉnh Hưng Yên là tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, tránh lãng phí tài nguyên đất và cũng là để chúng tôi có thể mưu sinh, kiếm thu nhập nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già”, đại diện các hộ dân trình bày.

Các hộ dân đã làm thủ tục đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng đến nay chưa được giải quyết theo quy định pháp luật.

Về vụ việc này, các hộ dân cũng đã nhiều lần gửi đơn đến kêu cứu đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.

Từ năm 2018, các hộ dân đã nhiều lần có đơn đề nghị, kêu cứu, phản ánh và tố cáo lên Thanh tra Chính phủ về các nội dung liên quan đến việc cưỡng chế công trình trên đất nông nghiệp của các hộ dân tại xã Tân Quang gây thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân. Nguyên nhân của đơn thư là do UBND xã Tân Quang luôn lấy căn cứ là "chỉ đạo" của UBND huyện Văn Lâm, UBND tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện Kế hoạch số 93a của UBND tỉnh để cắt điện, cưỡng chế phá dỡ các hộ dân. Trong khi đó, theo tìm hiểu của các hộ dân, họ không thuộc đối tượng thực hiện Kế hoạch 93a của UBND tỉnh. Các công trình khác sai phạm nghiêm trọng trên đất hành lang sông, đê điều thì còn nguyên; thậm chí còn là các công trình nhà kiên cố 4 - 5 tầng. Còn các hộ dân được giao đất làm vườn trang trại thì nhiều lần bị cắt điện, cưỡng chế phá dỡ...

Ban Tiếp công dân Trung ương đã tiếp nhận các nội dung kiến nghị, phản ánh, tố cáo của công dân và ban hành Văn bản số 780/BTCDTW-TD1 ngày 22/4/2022 và Văn bản số 910/BTCDTW-XLĐ ngày 17/5/2022 chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên để chỉ đạo xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định pháp luật.

Toàn cảnh buổi tiếp công dân. Ảnh: TH

Nhiều năm qua, dù Thanh tra Chính phủ có nhiều văn bản chuyển đơn, chỉ đạo giải quyết, người dân vẫn không thấy bất kỳ động thái nào từ Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện giải quyết kiến nghị, phản ánh theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.

Công dân đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng Kế hoạch số 93a; xác định rõ các hộ dân không phải là đối tượng của Kế hoạch số 93a; cho phép các hộ dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch là đất ở nông thôn; đồng thời dừng việc cưỡng chế công trình trên đất trang trại của các hộ dân; việc cắt điện sản xuất, sinh hoạt của người dân; giải quyết đơn tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ và xử lý các cá nhân, tổ chức có sai phạm; dừng áp dụng các biện pháp cưỡng chế, giải phóng mặt bằng đối với khu đất của các hộ dân.

Tại buổi tiếp, đại diện các sở, ngành địa phương cho biết, khu đất thôn đang khiếu kiện là đất đang được quy hoạch đất ở.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 93a ngày 31/3/2017 về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép.

Mục đích của Kế hoạch số 93a là rà soát, giải tỏa các trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi; hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng và khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Luộc, sông trục hệ thống Bắc Hưng Hải; ngăn chặn, chấm dứt các trường hợp vi phạm mới phát sinh; tái vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và kịp thời xử lý nghiêm những hành vi xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi.

Phó Chủ tịch tỉnh cho rằng, chủ trương chung của tỉnh là thực hiện Kế hoạch 93a. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các hộ dân đã có đơn đề nghị chuyển sang đất dịch vụ, thương mại, gần đây là đất ở.

Theo ông Nam, nếu chính quyền mà giải toả thì cần phải làm đúng quy định, nhưng phải thấu tình đạt lý, nghe cả 2 chiều. “Người dân đúng thì nói đúng, chính quyền đúng thì nói đúng; chính quyền sai thì nói sai, người dân sai nói sai. Nói đúng bản chất sự việc”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chính quyền địa phương sẽ tiến hành xem xét vụ việc và trả lời công dân.

Đại diện các hộ dân tham gia buổi tiếp. Ảnh: TH

Đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương, Cục Thanh tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I đề nghị địa phương kiểm tra làm rõ nguồn gốc đất, kiểm tra quá trình sử dụng đất của tất cả các hộ dân đến các hộ khai thác cát sỏi; đồng thời, thanh tra quy hoạch sử dụng đất tất cả các xã; thanh tra những nội dung tố cáo của công dân và cần thụ lý theo thẩm quyền, thông báo trả lời công dân, báo cáo Thanh tra Chính phủ trước ngày 30/9.

Phát biểu kết luận buổi tiếp dân, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Đây là vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; người dân đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương nhiều lần và được chuyển nhiều văn bản về địa phương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau khi nghe các hộ dân trình bày và ý kiến của các sở, ngành địa phương cũng như lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, Cục Thanh tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chia sẻ với các hộ dân khi các khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm đã ảnh hưởng đến đời sống.

Theo Phó Tổng Thanh tra, việc này UBND huyện và tỉnh đã có chỉ đạo nhưng vụ việc được chưa giải quyết dứt điểm, nhiều nội dung chưa được làm rõ. Các hộ dân vẫn có những kiến nghị cần xử lý.

Để giải quyết vụ việc này, Phó Tổng Thanh tra đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên xem xét thành lập đoàn thanh tra những nội dung mà người dân kiến nghị. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân theo quy định của pháp luật và phải xem xét kỹ lưỡng, thấu tình đạt lý. Trên cơ sở đó, báo cáo kết quả giải quyết với Thanh tra Chính phủ trước ngày 30/9/2023, không để công dân bức xúc kéo dài, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp lên các cơ quan Trung ương.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm giao Ban Tiếp công dân Trung ương phối với Cục Thanh tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I theo dõi, đôn đốc UBND tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với với vụ việc nêu trên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Nhiều nội dung phản ánh của đảng viên, công dân phường Quảng Thành

Thanh Hoá: Nhiều nội dung phản ánh của đảng viên, công dân phường Quảng Thành

(Thanh tra) - Tình trạng mua bán, thoả thuận chuyển nhượng đất của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hoá đồng ý chủ trương giá cao gấp nhiều lần giá Nhà nước thu hồi; Dự án mặt bằng Khu xen cư 9933, 9966 phố Thành Trọng cũ (nay là phố Tân Trọng) không thông qua đấu giá, hiện tại có nhiều cán bộ phường Quảng Thành được mua, người dân không được mua… là những phản ánh của đảng viên, công dân phường Quảng Thành, TP Thanh Hoá.

Hương Trà

17:54 14/12/2024
Phú Yên: Luẩn quẩn tháo gỡ dự án, hàng trăm ha đất hoang hoá

Phú Yên: Luẩn quẩn tháo gỡ dự án, hàng trăm ha đất hoang hoá

(Thanh tra) - Với vị trí đắc địa được thiên nhiên ưu đãi của vùng đất biển Phú Yên, những dự án nghìn tỷ phát triển được kỳ vọng thành điểm sáng thu hút du lịch, đánh thức tiềm năng địa phương. Vậy nhưng, hiện nay, Dự án Khu du lịch liên hợp New City Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong công cuộc tìm đường tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để mặc hàng trăm ha đất hoang hoá gây lãng phí rất lớn do chưa thể đưa vào sử dụng. Nhà đầu tư khắc khoải chờ tháo gỡ để sớm triển khai thực hiện dự án.

Nhóm PV

08:31 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm