Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 16/07/2021 - 06:38
(Thanh tra)- Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng đất, tiến hành phát quang cây để trồng sâm theo dự án, thì chủ rừng tá hỏa khi bị kiểm lâm lập biên bản vi phạm để xử lý, vì diện tích phát quang thuộc đất rừng tự nhiên.
Diện tích đất được cấp sổ rừng sản xuất tại xã Đại Hồng lại trùng với đất rừng tự nhiên. Ảnh: T.P
Theo hồ sơ, năm 2018, ông N.C.T (trú Đà Nẵng) nhận chuyển nhượng khoảng 93ha đất rừng sản xuất từ 7 hộ dân để thực hiện dự án (DA) trồng sâm Hàn Quốc kết hợp với trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn miền núi xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; của các hộ: Lê Đức Thành, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Lương, Nguyễn Văn Đối, Lê Viết Tính, Nguyễn Thành Hiếu, Nguyễn Ngọc Vinh (đều trú tại xã Đại Hồng) và được UBND huyện Đại Lộc cấp sổ đỏ vào ngày 17/3/2017.
Sau khi mọi thủ tục pháp lý về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kê khai và nộp thuế đối với 7 thửa đất rừng nêu trên đã được các bên liên quan thực hiện đầy đủ, ông N.C.T. đã nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đại Lộc theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2019, ông T. thuê người phát quang cây cối, hiện trường phải trải qua 6 tháng trời để trồng sâm. Khi mọi việc dọn dẹp sắp xong thì ông T. bất ngờ bị đoàn kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam kiểm tra, lập biên bản vi phạm.
Tại biên bản kiểm tra hiện trường, được lập giữa Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam và UBND xã Đại Hồng ngày 24/7/2019, có 3/7 sổ đỏ có diện tích chồng lấn với diện tích rừng tái sinh phục hồi là 54,7ha; thuộc rừng tự nhiên phục hồi bị chặt hạ tại khoảnh 4, 5, Tiểu khu 204, thuộc địa phận thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, Đại Lộc. Cụ thể:
Hộ ông Lê Đức Thành được cấp sổ đỏ với diện tích 21,5ha, đối chiếu theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì có 13,5ha đất thuộc quy hoạch rừng tái sinh phục hồi. Hộ ông Nguyễn Ngọc Vũ được cấp diện tích 20,6ha thì toàn bộ diện tích này nằm trong quy hoạch 3 loại rừng là rừng sản xuất, trạng thái là rừng tái sinh phục hồi. Ông Nguyễn Văn Đối được cấp diện tích 28,2ha, gồm 7,53ha thuộc rừng sản xuất trạng thái là rừng tái sinh phục hồi và 20,67ha thuộc quy hoạch rừng trồng.
Đến tháng 6/2020, ông Trần Văn Thu, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu Hạt trưởng Kiểm lâm Bắc Quảng Nam báo cáo kết quả điều tra, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, từ đó đến nay trải qua gần 3 năm, vụ việc vẫn chưa có hồi kết, gây khiếu kiện, bức xúc kéo dài.
Theo tìm hiểu của PV, sự việc phức tạp là do diện tích đất rừng cấp cho các hộ dân nói trên đã nằm chồng lấn lên diện tích rừng tái sinh phục hồi do kiểm lâm quản lý.
Theo quy định, việc cấp đất rừng cho người dân phải trải qua nhiều khâu thẩm định rất chặt chẽ, từ họp dân, bình xét, kiểm tra diện tích trên thực địa và trên hồ sơ địa chính lưu giữ, UBND xã mới ký xác nhận; rồi đến các phòng, ban chuyên môn của huyện thẩm định, có ý kiến của ngành kiểm lâm… Chưa kể, nếu tổng diện tích đất rừng sản xuất được cấp trên 100ha phải thông qua ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc, trước khi ký cấp sổ đỏ; nhưng không hiểu sao diện tích đất rừng khá lớn trên, nằm chồng lấn lên diện tích rừng tái sinh phục hồi vẫn được cấp sổ đỏ một cách trót lọt?
Theo các chủ rừng, khi phát đốt cây theo diện tích sổ đỏ được cấp, có cán bộ của xã và huyện xuống hiện trường kiểm tra, hướng dẫn cụ thể chi tiết. Tuy nhiên, sau đó lực lượng kiểm lâm phát hiện một số diện tích phát, đốt là đất rừng tái sinh phục hồi.
Còn ông N.C.T cho biết, ông đã chi phí hàng trăm triệu đồng để thuê nhân công phát rừng, dọn mặt bằng để thực hiện DA. Từ khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng huyện Đại Lộc thu giữ hồ sơ và 2 sổ đỏ của ông T trong thời gian dài mà không có quyết định thu hồi; đã gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho gia đình ông.
Để xảy ra vụ việc cấp sổ đỏ trên đất rừng phục hồi tái sinh tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc như đã nêu trên, trước hết trách nhiệm chính thuộc về UBND huyện Đại Lộc, xã Đại Hồng và các cá nhân liên quan.
Vụ việc được Thanh tra huyện Đại Lộc tiến hành xác minh và xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên vào tháng 9/2020, đã chuyển Cơ quan điều tra Công an huyện Đại Lộc thụ lý. Tiếp đó, vụ việc được chuyển cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành điều tra và đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do vụ việc phức tạp nên cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, đã có chỉ đạo đến Công an tỉnh sớm làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh.
N.Phê - Q.Thân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phát hiện những vụ việc KNTC ảnh hưởng lớn tới an ninh, trật tự để giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành “điểm nóng”, được huyện Kim Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trung Hà
19:47 22/11/2024(Thanh tra) - Chiều 21/11, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Bùi Thị Hồng Vân chủ trì buổi đối thoại với bà Bùi Thị Nức có đơn khiếu nại (lần 2) gửi Chủ tịch UBND thành phố khiếu nại Quyết định số 8112/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu).
Kim Thành
19:39 21/11/2024Hoàng Hiệp
19:17 21/11/2024Lâm Ánh
21:19 19/11/2024Trần Kiên
20:18 19/11/2024Nhóm phóng viên
16:17 19/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương