Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra TP Hà Nội chỉ rõ trách nhiệm của từng đơn vị

Thứ ba, 12/05/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Chánh Thanh tra TP Hà Nội mới ký ban hành kết luận thanh tra về vi phạm tại Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (viết tắt là Dự án) do Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng Đại Mỗ (gọi tắt là Công ty) làm chủ đầu tư.

​ Một góc Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ. Ảnh: Thúy Nhài

Kết luận đã chỉ rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án và kiến nghị UBND TP biện pháp xử lý.

Xác minh về nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất và việc xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Công ty, Thanh tra TP chỉ rõ, khu đất 37.238,6m2 tại xã Tây Mỗ (nay là phường Tây Mỗ) có nguồn gốc là do Công ty sử dụng từ năm 1966 để sản xuất cơ khí. 
Do được chuyển cơ sở sản xuất cơ khí sang địa điểm khác nên Công ty đã có văn bản đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử đụng đất từ đất cơ sở sản xuất sang xây dựng Tổ hợp Dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở. 
Ngày 31/12/2009, UBND huyện Từ Liêm đã phê duyệt Quy hoạch Tổng mặt bằng 1/500 đối với Dự án.
Về năng lực chủ đầu tư, Thanh tra TP nêu: Theo báo cáo tài chính năm 2008, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty đến 31/12 là 24,1 tỷ đồng, không đảm bảo 20% tổng mức đầu tư của Dự án. Tại Văn bản số 4406 ngày 28/9/2009, Sở Tài chính đã nêu “Công ty cần tiến hành các thủ tục để được bổ sung vốn điều lệ và tăng nguồn vốn chủ sở hữu theo đúng quy định hiện hành” nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư không yêu cầu Công ty bổ sung vốn điều lệ và tăng nguồn vốn chủ sở hữu mà vẫn có Văn bản số 1148 ngày 26/11/2009 (do Giám đốc Sở ký) báo cáo UBND TP đề nghị cho phép Công ty nghiên cứu lập và thực hiện Dự án là chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 9/2/2007 của UBND TP. 
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, giai đoạn này Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008; Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp với mục đích giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư. Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2009/TTLT-BXD-BKH ngày 27/8/2009 hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết 33, theo đó, nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp không phân biệt quy mô vốn đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư trong nước có yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư xem xét, giải quyết theo quy định. 
Về việc lập, thẩm định, phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án, Thanh tra TP nhận thấy, khi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, tổng mức đầu tư của dự án là 1.186,4 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty là 13,6 tỷ đồng, bằng 1,1% tổng mức đầu tư là không đủ năng lực tài chính theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn có Văn bản số 430 báo cáo UBND TP (do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Tứ ký) chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án là chưa thực hiện đúng tại Điểm c, Khoản 3, Điều 45 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. 
Thanh tra TP xác định, Công ty đã triển khai đầu tư xây dựng từ ngày 20/12/2010 khi chưa có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (phê duyệt ngày 26/7/2011) là không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP tại giấy chứng nhận đầu tư.
UBND quận Nam Từ Liêm, Đội Thanh tra trật tự xây dựng quận, UBND phường Tây Mỗ đã buông lỏng quản lý. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Đội trưởng Đội Thanh tra trật tự xây dựng huyện, Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ thời điểm năm 2010-2015.
Thanh tra TP chỉ rõ, Công ty đã đưa công trình xây dựng chung cư tại Dự án vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ. Hành vi vi phạm của Công ty đã được Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính và có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Công ty đã khắc phục và đến ngày 1/7/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành của Công ty.
Thanh tra TP cũng xác định, việc Công ty ký Hợp đồng chuyển nhượng dự án số 98/COMA6-THC/HĐKT với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà THC để chuyển nhượng một phần Dự án (phần công trình tòa nhà văn phòng, dịch vụ, thương mại VP1) khi chưa được UBND TP cho phép chuyển nhượng là chưa thực hiện đúng Khoản 3, Điều 48, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
Tuy nhiên, ngày 8/7/2019, Công ty đã có biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng dự án số 226/2019/COMA6-THC/BBTL, trong đó thống nhất không tiếp tục thực hiện và thanh lý toàn bộ các nội dung Hợp đồng chuyển nhượng dự án số 98.
Từ năm 2013 đến năm 2018, Công ty COMA6 đã bàn giao 699 căn hộ chung cư, 41 căn nhà vườn và 8 căn biệt thự cho khách hàng với tổng doanh thu là 1.287,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Công ty COMA6 chưa kê khai đủ số doanh thu nêu trên. Số doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai còn thiếu là 57,2 tỷ đồng. 
Công ty COMA 6 đã không thực hiện đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 17 của Thông tư 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 và điểm a, khoản 1, Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm xác định doanh thu tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Về việc thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư với Nhà nước, Thanh tra TP xác định, theo Quyết định số 806 ngày 16/2/2011 của UBND TP thì số tiền sử dụng đất Công ty phải nộp là 139,1 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, Công ty đã nộp 139,1 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, Công ty chưa nộp tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất 31,1 tỷ đồng là vi phạm Khoản 3, Điều 7 Luật Quản lý thuế năm 2006, Khoản 3 Điều 170; Khoản 7 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Cục Thuế đã có quyết định về cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với Công ty.
Thanh tra TP đề nghị UBND TP yêu cầu chủ đầu tư kiểm điểm trách nhiệm đối với các sai phạm đã nêu, khắc phục ngay các sai phạm tại kết luận thanh tra; khẩn trương khắc phục ngay số tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất 31,1 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tồn tại đã nêu tại phần kết luận. UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Tây Mỗ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân giai đoạn 2010-2014 để xảy ra sai phạm đã nêu. Chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội kiểm tra liên quan đến việc chấp hành quy định của pháp luật đối với việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thẩm quyền. Tiếp tục đôn đốc, có biện pháp thu hồi số tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư theo quy định.
Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, đối chiếu thực tế với quy hoạch, căn cứ quy định pháp luật đề xuất biện pháp xử lý đối với khu đất VP1, VP2, báo cáo UBND TP.

Thúy Nhài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm