Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý đất rừng tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) Bài 1: "Nhức nhối" tồn tại, sai phạm

Thứ sáu, 25/06/2021 - 06:00

(Thanh tra)- Là địa phương có diện tích đất rừng chiếm đến hơn 60% tổng số diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, tuy nhiên, trong những năm qua, việc quy hoạch, quản lý, chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) rừng và việc xử lý vi phạm của huyện Vân Đồn lại bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đáng nói, thực trạng này đã xảy ra trong thời gian dài, song chưa được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, triệt để.

Là địa phương có diện tích đất rừng chiếm đến hơn 60% tổng số diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, tuy nhiên, công tác quản lý của huyện Vân Đồn lại bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Ảnh: P.T

Xây dựng bản đồ quy hoạch trên... lý thuyết

Theo số liệu, diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn là 58.183,3ha. Trong đó, đất rừng là 35.109,97ha, chiếm 60,3% tổng số diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thanh tra nội dung liên quan đến công tác lập quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, cấp GCNQSDĐ rừng; công tác quản lý, sử dụng đất (SDĐ) rừng và việc xử lý đối với hộ gia đình, cá nhân khi vi phạm. Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến 31/8/2019.

Đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, tại 3 thời điểm (năm 2007, 2014 và 2018).

Đoàn thanh tra chỉ rõ, trong việc lập quy hoạch 3 loại rừng, huyện Vân Đồn chưa cập nhật hết ranh giới SDĐ thổ cư của các hộ dân; chưa xét tới nội dung giao đất, giao rừng trước đây cho các hộ dân và tổ chức; chưa cập nhật đầy đủ quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch SDĐ, phân tích và dự báo phát triển kinh tế xã hội làm căn cứ lập quy hoạch mà chỉ căn cứ vào yếu tố kỹ thuật, xây dựng bản đồ trên lý thuyết để chia tách các loại rừng.

Chính vì vậy, các lô rừng đã giao để sản xuất, hoặc các dự án đã đang và cần triển khai được khoanh gộp vào đất rừng phòng hộ. Từ đó, nảy sinh vướng mắc trong quản lý đất đai và lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã bỏ vốn trồng rừng nhưng gặp khó khăn trong việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản và cấp GCNQSDĐ cũng như việc SDĐ ở của các hộ dân trong ranh giới chồng lấn với quy hoạch đất rừng.

Đặc biệt, công tác quy hoạch tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn còn chồng lấn quy hoạch đất rừng vào đất ở của 226 hộ dân đang quản lý với diện tích 11,73ha.

Trên thực tế, UBND huyện Vân Đồn đã giao kết quả quy hoạch 3 loại rừng cho từng địa bàn để phục vụ công tác quản lý. Tuy nhiên, các đơn vị không "ngó ngàng" đến nội dung này; việc khai thác, sử dụng bản đồ quy hoạch 3 loại rừng phục vụ cho công tác quản lý đất lâm nghiệp ở các xã chưa thực sự hiệu quả; UBND cấp xã không nắm được số liệu diện tích, các chủ SDĐ rừng...

Bên cạnh đó, việc thống kê số liệu về rừng của các cơ quan chức năng còn có sự khác nhau. Thời điểm quy hoạch đất rừng tại các thời kỳ, số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Vân Đồn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự chênh lệch lớn. Ngoài ra, UBND huyện cũng chưa chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư dự án thực hiện trồng rừng thay thế và nộp tiền vào quỹ trồng rừng thay thế theo quy định.

Không chỉ vậy, do đề án giao đất, giao rừng của UBND huyện Vân Đồn chậm triển khai nên trên địa bàn còn gần 1.500 thửa đất, tương ứng với 5.718,28ha chưa được giao. Cùng với đó, huyện chưa hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp đã được giao đất, thuê đất lâm nghiệp có rừng; cấp GCNQSDĐ, quyền sở tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa lập hồ sơ giao rừng, thuê rừng theo quy định; chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10, ngày 22/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

"Mập mờ" trong chuyển nhượng và cấp GCNQSDĐ rừng

Từ năm 2015 đến tháng 8/2019, UBND huyện Vân Đồn không thực hiện giao đất, cho thuê đất, chỉ thực hiện cấp GCNQSDĐ theo hình thức công nhận quyền SDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và đã cấp được 224 giấy chứng nhận với tổng diện tích 924,25ha.

Kết quả thanh tra cho thấy, trong tổng 924,25ha được công nhận đất rừng sản xuất, có 474,55 ha/126 hộ dân phù hợp quy hoạch; 362,95 ha/76 hộ gia đình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ; 26,15 ha/5 hộ gia đình nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng; 60,58 ha/26 hộ dân ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 3722 ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, hồ sơ cấp GCNQSDĐ rừng có thông tin về đất nhưng chưa có thông tin về rừng; đơn xin cấp GCNQSDĐ rừng và tài sản trên đất không được ghi đầy đủ thông tin về rừng trồng, rừng tự nhiên, nguồn vốn đầu tư trồng rừng thuộc ngân sách hay của hộ gia đình, cá nhân; thông tin trên GCNQSDĐ rừng chưa có thông tin số hiệu lô, khoảnh, tiểu khu và chưa chứng nhận quyền sở hữu rừng về rừng trồng, rừng tự nhiên theo quy định; việc lưu trữ hồ sơ về tài sản trên đất, về rừng đối với các trường hợp đã cấp GCNQSDĐ rừng tại cơ quan kiểm lâm chưa có...

Trong niên độ thanh tra, UBND huyện Vân Đồn đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền SDĐ rừng sản xuất 58 hồ sơ với tổng diện tích 498,88ha (riêng năm 2019, không có hồ sơ chuyển nhượng). Kết luận thanh tra cho biết, căn cứ theo quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt, có việc chuyển nhượng đất rừng sản xuất nhưng theo quy hoạch được duyệt thì diện tích rừng này được quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Có 6 trường hợp chuyển nhượng sau ngày 20/11/2017 (ngày UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 323) và trước ngày ban hành Thông báo số 897 ngày 3/5/2018 của Tỉnh ủy và Văn bản số 120 ngày 4/5/2018 của UBND tỉnh về tạm dừng thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn. Qua kiểm tra cho thấy, có 3 hộ không phải người địa phương nhận chuyển nhượng trong khoảng thời gian này, tuy nhiên, 3 hộ này được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận là trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tại thời điểm kiểm tra, trên diện tích của 3 hộ chưa thực hiện hoạt động nào từ khi nhận chuyển nhượng; trong đó, có 1 trường hợp nhận chuyển nhượng với mục đích trồng rừng sản xuất nhưng diện tích nhỏ (165,3m2), không phù hợp.

Chưa hết, đoàn thanh tra còn chỉ thêm, việc giải quyết thủ tục đất đai còn nhiều tồn tại như: Xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để đủ điều kiện giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ rừng chưa theo quy định; thực hiện thủ tục cho thuê đất đối với trường hợp sử dụng vượt hạn mức theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ; ký GCNQSDĐ rừng với thời hạn SDĐ 50 năm đối với đất được chuyển từ rừng sản xuất thành rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa đúng quy định...

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Trọng Tài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn, đồng thời kiến nghị nộp ngân sách gần 12 tỷ đồng.

Trần Quý

21:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm