Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Hải Dương

Phương Anh- Phương Hiếu

Thứ bảy, 10/06/2023 - 08:00

(Thanh tra)- Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố Kết luận thanh tra số 856/KL-TTCP ngày 31/3/2023 về thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất, giai đoạn 2016-2020.

Toàn cảnh buổi công bố công khai kết luận thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ngày 7/6/2023. Ảnh: HN

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu sót của UBND tỉnh Hải Dương trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất, giai đoạn 2016-2020.

Kết luận chỉ rõ, tại thời điểm thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng, UBND tỉnh Hải Dương chưa ban hành quy trình, quy chế quản lý, chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, chậm phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng. Đồng thời, chậm quy hoạch phân khu các khu vực đô thị đối với 4/19 phường của thành phố Hải Dương. UBND thị xã Kinh Môn chậm phê duyệt quy hoạch phân khu các khu vực đô thị đối với 9/14 phường.

Sở Tài chính, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu, vật tư hàng tháng nhưng chưa đầy đủ theo quy định. Việc chậm quyết toán công trình, dự án hoàn thành vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đáng chú ý, qua thanh tra 10 dự án đầu tư xây dựng (trong đó có 9 dự án vốn ngân sách và 1 dự án vốn BT) cũng cho thấy, dự án đường dẫn cầu Quang Thanh (huyện Thanh Hà) phê duyệt trong năm 2020 có trong quy hoạch nông thôn mới năm 2019, nhưng không có trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hải Dương năm 2010. Sau đó, dự án đã được cập nhật vào quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà năm 2021.

Công tác quản lý chi phí dự toán, chi phí hợp đồng của các dự án giao thông, đê điều dân dụng còn hạn chế, thiếu sót. Việc xác định định mức, công tác cấp đất, áp dụng tỷ lệ định mức đào đắp bằng thủ công, máy, cự ly vận chuyển đất chưa chính xác; công tác bê tông, công tác sản xuất bê tông nhựa sử dụng vật liệu cát không đúng với tiêu chuẩn xây dựng và hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải; một số công tác tính toán khối lượng chưa chính xác với thiết kế, áp dụng định mức chưa đúng quy định, quy đổi đơn vị còn nhầm lẫn; còn có sai sót giữa thiết kế với dự toán, hồ sơ mời thầu, dẫn đến phải điều chỉnh dự toán và hợp đồng xây dựng.

Tại thời điểm thanh tra, có 3 dự án phải giảm trừ chi phí không thực hiện: Chi phí xây dựng trạm biến áp, lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn, khối lượng cọc Larsen, chi phí hoàn trả đường (dự án đầu tư xây dựng nút giao thông lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5 và đường 390 tỉnh Hải Dương); chi phí thuê mặt bằng và hoàn trả công trình hạ tầng lân cận bị ảnh hưởng (dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao thông giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và Quốc lộ 5, thành phố Hải Dương); công tác làm bãi đúc, láng bãi đúc (dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, giai đoạn 2).

Có 2 dự án chậm tiến độ gói thầu thi công xây lắp: Dự án đầu tư xây dựng khối nhà khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương; dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 38 với đường huyện 31, tỉnh Hưng Yên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đến thời điểm thanh tra chưa tiến hành điều chỉnh tiến độ hợp đồng.

Có 3 dự án không gia hạn thời gian bảo lãnh tạm ứng khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, giai đoạn 2; dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 38 với đường huyện 31, tỉnh Hưng Yên, đoạn qua huyện Cẩm Giàng, Hải Dương; dự án cải tạo, nâng cấp đường huyện ĐH1, huyện Ninh Giang.

Về công tác quản lý, sử dụng đất, kết luận thanh tra nêu rõ, tại thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Hải Dương chậm ban hành một số quy định nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật về đất đai theo thẩm quyền được giao.

Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với một số chỉ tiêu còn đạt tỷ lệ thấp như đất an ninh tỷ lệ thực hiện đạt 49,2%, khu công nghiệp 32,3%, cụm công nghiệp 53,4%, đất thương mại - dịch vụ 29,4%...

Việc cập nhật chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính còn chậm, chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, do vậy, việc cập nhật chỉnh lý biến động chưa được thực hiện đồng bộ, liên thông giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân còn đạt tỷ lệ thấp đối với đất nông nghiệp (33,7%), đất sản xuất, kinh doanh (44,8%).

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các chủ đầu tư, doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, tính đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh còn 26 dự án khu đô thị, dân cư đã được giao đất với tổng diện tích hơn 290ha nhưng chưa được xác định tiền sử dụng đất, trong đó có 18 dự án được giao đất trước năm 2021, vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai 2013.

“Sau thời gian thanh tra trực tiếp, UBND tỉnh Hải Dương đã từng bước khắc phục, đã phê duyệt giá đất với 6 dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình thẩm định phương án giá đất đối với 4 dự án, đã thuê đơn vị tư vấn, rà soát hoàn thiện phương án giá đất đối với 10 dự án”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm