Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Quý
Thứ năm, 23/06/2022 - 13:26
(Thanh tra) - Kết luận thanh tra về việc mua sắm thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống Covid-19 năm 2020, 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại, trong đó có nhiều gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Nhiều gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Ảnh: TQ
Kết luận thanh tra số 175 do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký cho thấy, trong 2 năm 2020 và 2021 tại 28 đơn vị ngành Y tế và Trung tâm Tư vấn dịch vụ tài chính công đã thực hiện 863 gói thầu mua sắm thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao với tổng giá gói thầu trên 122,747 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu trên 117,632 tỷ đồng (giảm 4,17%), tổng giá trị thực hiện nghiệm thu trên 109,205 tỷ đồng (giảm 7,16%).
4 đơn vị mua sắm 12 gói thầu thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm có nhà sản xuất hoặc nhà thầu cung cấp là Công ty Việt Á với tổng giá trị trúng thầu trên 24,145 tỷ đồng, tổng giá trị đã nghiệm thu trên 17,236 tỷ đồng (có 1 gói của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mua kít xét nghiệm, sinh phẩm do Công ty Việt Á trúng thầu nhưng đến ngày 31/12/2021 chưa ký hợp đồng); tổng giá trị đã giải ngân gần 16,944 tỷ đồng.
Riêng bộ kít xét nghiệm SARS-CoV-2 PCR của Công ty Việt Á sản xuất có 3 đơn vị mua với giá trị trúng thầu trên 6,552 tỷ đồng, đã nghiệm thu giải ngân trên 2,877 tỷ đồng.
“Thời điểm thanh tra, Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ 10 gói thầu mua sắm, trong đó có 9/10 gói liên quan đến Công ty Việt Á, theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 225 ngày 18/02/2022, UBND tỉnh chỉ tổng hợp số liệu, không thanh tra 10 gói thầu này” - kết luận nêu.
“Xé nhỏ” gói thầu?
Trong tổng số 863 gói thầu, có đến 483 gói thầu có giá trị nhỏ hơn 50 triệu đồng nhưng nhiều chủ đầu tư không áp dụng quy trình thực hiện mua sắm đặc biệt đối với gói thầu dưới 50 triệu đồng theo khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ mà vẫn lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu dẫn đến kéo dài thời gian, thêm thủ tục hồ sơ, giấy tờ không cần thiết.
Hiện tượng chủ đầu tư ứng trước hàng khi ký hợp đồng sau đó đấu thầu (chỉ định thầu) để trả lại hàng hoặc hoàn thiện hồ sơ để thanh toán là chưa đúng theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Qua thanh tra có 4 đơn vị gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh đã tạm ứng, vay mượn hàng hóa để phòng chống dịch Covid-19.
“4 đơn vị này đang còn ứng trước/vay mượn hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao của một số nhà cung cấp nhưng chưa trả được với tổng số tiền tạm tính tại thời điểm vay mượn trên 26,116 tỷ đồng. Đến thời điểm 15/3/2022, số lượng hàng hóa ứng trước/vay mượn các đơn vị đã sử dụng hết nhưng chưa có phương án trả số hàng hóa này hay thanh toán theo quy định” - kết luận nêu.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm chủ đầu tư 2 gói thầu (Công ty Việt Á thực hiện) đến thời điểm thanh tra mặc dù đã quá thời gian thực hiện gói thầu nhưng 2 gói thầu đang còn dở dang. Hiện nay, chưa có phương án giải quyết, xử lý dứt điểm.
Nhiều mặt hàng được nâng giá
Qua xác minh 10 mặt hàng nhập khẩu tại Cục Hải quan Hà Tĩnh và một số cục hải quan trong nước; kết quả có 08 mặt hàng cùng chủng loại, nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ có thông tin về giá nhập khẩu. Qua so sánh giữa giá trúng thầu (theo báo cáo của các đơn vị) và giá nhập khẩu, 08 mặt hàng này có giá trúng thầu cao hơn giá nhập khẩu từ 1,17 đến 3,19 lần. Trong đó có 02 mặt hàng chênh lệch lớn (trên 2 lần).
Đơn cử: Máy giúp thở áp lực dương DreamStation CPAP nguồn gốc Respironnics (Philips) - Mỹ sản xuất do Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang mua sắm tại 02 gói thầu bằng hình thức chỉ định thầu với số lượng mỗi gói thầu 01 cái có giá chênh lệch lên đến 3,19 lần (từ 17,007 lên 54,286 triệu đồng giá trước thuế).
Monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số Công ty Bionics - Hàn Quốc sản xuất do Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà mua sắm tại 01 gói thầu bằng hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng với số lượng 02 cái có giá chênh lệch lên đến 2,27 lần (từ 27,415 triệu đồng lên 62,228 triệu đồng giá trước thuế).
Kiểm tra trực tiếp 47 gói thầu do Văn phòng Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC Hà Tĩnh, 03 bệnh viện đa khoa tuyến huyện: Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh; 04 trung tâm y tế các huyện: Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Can Lộc làm chủ đầu tư và 01 gói thầu mua sắm tập trung do Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Tài chính công thực hiện cho thấy, có 33 gói thầu của 10 chủ đầu tư trong lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa nêu căn cứ, lý do để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu “chỉ định thầu” hoặc nêu chưa đầy đủ theo quy định.
Nhiều gói thầu áp dụng hình thức lựa chọn “chỉ định thầu rút gọn”, nhưng kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định phương thức lựa chọn nhà thầu “một giai đoạn, một túi hồ sơ”!
Có 08/10 chủ đầu tư chưa thực hiện đăng tải hoặc đăng tải chậm thời gian kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế huyện Can Lộc không thực hiện bước thương thảo hợp đồng trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; 04 chủ đầu tư trong quá trình thương thảo hợp đồng đã không yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ để đánh giá năng lực và tư cách hợp lệ; có 01 nhà thầu chưa đăng ký lên hệ thống mạng đấu thầu thầu quốc gia nhưng vẫn được Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân phê duyệt kết quả trúng thầu.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế huyện Can Lộc việc mua sắm một số gói thầu không có quyết định phê duyệt dự toán.
Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Hương Sơn và Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Can Lộc không thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 08 gói thầu do Trung tâm Y tế huyện Can Lộc và Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn trình.
Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh và Trung tâm Y tế huyện Can Lộc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng thẩm quyền đối với 02 gói thầu có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh đã ký 17 hợp đồng để thực hiện 17 gói thầu có loại hợp đồng và thời gian thực hiện hợp đồng khác với loại hợp đồng và thời gian thực hiện hợp đồng trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt hoặc không quy định hồ sơ “giấy chứng nhận chất lượng, các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ” mà nhà thầu phải cung cấp trong quá trình nghiệm thu thanh toán.
Có 26/48 gói thầu hợp đồng được ký nhưng không có bảo đảm thực hiện hợp đồng tiềm ẩn rủi ro trong quá trình mua sắm.
Kỳ 2: Nhiều tổ chức, cá nhân phải kiểm điểm trách nhiệm
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn, đồng thời kiến nghị nộp ngân sách gần 12 tỷ đồng.
Trần Quý
21:00 21/11/2024(Thanh tra) - Được giao số lượng người làm việc nhiều hơn so với quy định, dẫn đến kinh phí được cấp dư gần 519 triệu đồng, tuy nhiên Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăng Hưng Phước không kịp thời báo cáo để xử lý mà sử dụng hết…
Cảnh Nhật
19:21 21/11/2024Thu Huyền
20:19 20/11/2024Lâm Ánh
09:00 20/11/2024Cảnh Nhật
08:30 20/11/2024Trần Kiên
07:08 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên