Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khiếu nại của bà Lập không có cơ sở

Thứ hai, 04/12/2017 - 14:15

(Thanh tra) - Ngày 29/11/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản, quyết định việc bà Trịnh Thị Lập khiếu nại được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho gia đình; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là không có cơ sở.

Bà Trịnh Thị Lập (thôn Chiềng Nang, xã Giao An, huyện Lang Chánh) khiếu nại được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho gia đình, gồm: Chi phí san lấp mặt bằng, chi phí cải tạo làm tăng độ mầu mỡ của đất, chi phí làm đường. Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh thu 10% chi phí trên tổng số tiền được bồi thường về cây cối hoa màu của gia đình sai.

Khiếu nại của bà Trịnh Thị Lập đã được Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh giải quyết tại Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 30/6/2017.

Không đồng ý, bà Trịnh Thị Lập có đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh.

Khiếu nại được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại

Bà Trịnh Thị Lập đã sử dụng một phần diện tích đất giao khoán để trồng mía (cây hàng năm) là không đúng mục đích sử dụng đất do Lâm trường giao khoán (đất rừng sản xuất). Căn cứ Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất “chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất…”.

Như vậy, bà Trịnh Thị Lập khiếu nại không có cơ sở.

Khiếu nại được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất

Điều 6, Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước: "Hồ sơ khoán gồm: Đơn xin nhận khoán; hợp đồng khoán; trích lục bản đồ hoặc sơ đồ khu vực đất giao khoán; các văn bản, phụ lục có liên quan đến việc khoán (nếu có). Hồ sơ khoán đất để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản làm thành 2 bản, 1 bản lưu tại bên giao khoán, 1 bản giao cho bên nhận khoán; hồ sơ khoán đất lâm nghiệp làm thêm 1 bản để lưu tại UBND xã nơi có đất lâm nghiệp".

Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh: " Hồ sơ giao khoán bao gồm: Đơn xin nhận giao khoán, hợp đồng giao khoán; trích lục bản đồ hoặc sơ đồ khu vực đất nông nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất rừng giao khoán; biên bản giao, nhận khoán về đất, cây trồng, vật nuôi, hiện trạng các loại rừng và các tài sản trên đất; các văn bản, phụ lục có liên quan đến việc giao khoán (nếu có). Hồ sơ giao khoán được lập thành 2 bản,1 bản lưu tại bên giao khoán, 1 bản lưu ở bên nhận khoán".

Qua xác minh cho thấy, hồ sơ giao khoán không có đơn xin nhận khoán và không có hợp đồng giao khoán. Thực tế khu đất bà Trịnh Thị Lập đang khiếu nại đã được Lâm trường Luồng Lang Chánh giao khoán sản xuất cho bà Lập theo Nghị định 01/CP từ năm 1996. Bà Lập đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Lâm trường.

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó".

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: "Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông trường, lâm trường quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều này thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất".

Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật nêu trên thì hộ bà Trịnh Thị Lập không đủ điều kiện được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất vì không có hợp đồng giao khoán sử dụng đất theo quy định. Do đó, khiếu nại của bà Trịnh Thị Lập là không có cơ sở.

Khiếu nại được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm

Bà Trịnh Thị Lập là công nhân Lâm trường, đã nghỉ và hưởng chế độ lương hưu.

Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 13 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Quyết định số 3162/2014/QĐ-ƯBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa “hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d, Khoản 1, Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Như vậy, hộ bà Trịnh Thị Lập không được bồi thường về đất nông nghiệp nên không thuộc diện được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Nội dung này, bà Trịnh Thị Lập khiếu nại không có cơ sở.

Bà Trịnh Thị Lập khiếu nại công ty thu 10% chi phí trên tổng số tiền được bồi thường cây cối, hoa màu của bà là sai

Hiện nay, bà Trịnh Thi Lập chưa nhận tiền bồi thường về cây cối hoa màu. Công ty Lâm nghiệp cũng chưa thu 10% số tiền trên. Yêu cầu Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Lang Chánh và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh thực hiện theo thỏa thuận giữa Công ty và hộ bà Trịnh Thị Lập. Trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện đến tòa án giải quyết.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, bà Trịnh Thị Lập khiếu nại được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho gia đình; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là không có cơ sở.

Việc Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh thu 10% chi phí trên tổng số tiền được bồi thường cây cối, hoa màu thực hiện theo thỏa thuận giữa Công ty và hộ bà Trịnh Thị Lập. Trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện đến tòa án giải quyết.

Từ kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và các căn cứ pháp luật nêu trên, ngày 29/11/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã ký văn bản, quyết định việc bà Trịnh Thị Lập khiếu nại được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho gia đình; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là không có cơ sở.

Đây là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Nếu bà Trịnh Thị Lập không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Hoa Quế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

Kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG), Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện một số vi phạm, tồn tại; đồng thời, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.

Trần Quý

10:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm