Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bình Định: Thu hồi gần 1 tỷ đồng do sai phạm trong công tác bảo vệ rừng

Thứ sáu, 21/09/2018 - 15:53

(Thanh tra)- Thanh tra tỉnh Bình Định vừa ban hành Kết luận thanh tra số 354 về những sai phạm đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác giao khoán bảo vệ rừng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL rừng) các huyện: Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn của tỉnh Bình Định.

Rừng phòng hộ ở tỉnh Bình Định bị xâm lấn và tàn phá nặng nề. Nguồn: Internet

Kết luận đã chỉ ra, trong một thời gian dài, từ năm 2014 - 2017, các BQL rừng Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý, sử dụng bao gồm diện tích đất rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trống nhưng BQL rừng 5 huyện đã buông lỏng quản lý, không làm tròn trách nhiệm được giao.

Giai đoạn 2014 - 2015, các BQL rừng đã thực hiện phương án khoán chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ theo cấp có thẩm quyền phê duyệt; các BQL rừng đã tiến hành ký hợp đồng giao khoán với các hộ gia đình và cộng đồng thôn thuộc các xã của 5 huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn với đơn giá nhận khoán từ 200.000 - 300.000 đồng/ha/năm.

Giai đoạn 2016 - 2017, thực hiện Nghị định số 75 của Chính phủ, các BQL rừng đã tiến hành thanh lý các hợp đồng giao khoán cũ, tổ chức rà soát lại diện tích đã giao khoán, triển khai ký kết lại hợp đồng với đơn giá tiền công nhận khoán là 400.000 đồng/ha/năm đối với diện tích được hỗ trợ tối đa là 30 ha mỗi hộ gia đình.

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy việc ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng tại các BQL rừng còn nhiều sai phạm, chưa được chuẩn mực; các hợp đồng nhận khoán còn thiếu biên bản giao nhận rừng tại thực địa, trích lục bản đồ từng lô, khoảnh, tiểu khu cho các hộ nhận khoán; các hợp đồng với cộng đồng, nhóm hộ chỉ ghi tên người đại diện nhận khoán mà không ghi tên các thành viên của cộng đồng, nhóm; không ký lại hợp đồng khi người đứng tên hợp đồng nhận khoán đã chết; áp dụng đơn giá khoán cho các công trình trồng rừng hưởng lợi không đúng quy định.

Việc BQL rừng Hoài Nhơn ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng có rất nhiều sai phạm, việc giao khoán bảo vệ rừng không đúng đối tượng với diện tích 685 ha cho Hội Cựu chiến binh xã Hoài Thanh, Công an xã Hoài Hải, Ban Chỉ huy Quân sự xã Tam Quan Nam, Ban Chỉ huy Quân sự xã Hoài Phú, Công an xã Hoài Phú, Ban Chỉ huy Quân sự xã Hoài Mỹ. Theo quy định thì các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn khu vực biên giới không có dân cư sinh sống mới được nhận khoán bảo vệ rừng.

Tại BQL rừng Phù Cát, việc ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng chưa được triển khai đúng đối tượng, số hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số còn ít; tại 3 xã có 3 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của xã Cát Chánh, Cát Hải, Cát Thành thuộc đối tượng được hưởng tiền khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 75 với mức 400.000 đồng/ha/năm; nhưng BQL lại ký hợp đồng giao khoán với các hộ không thuộc diện hộ nghèo. Tổng cộng tại 10 xã có tới 237 hộ không thuộc đối tượng ưu tiên được nhận khoán bảo vệ 9.215,8 ha diện tích rừng. BQL còn kí hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho nhiều hộ với diện tích quá lớn, có hộ còn được giao hơn 100 ha, do đó việc tuần tra, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Qua xác minh, chỉ tính riêng thời kỳ giao khoán từ năm 2014 - 2017 tại BQL rừng Vĩnh Thạnh, Đoàn đã làm việc với các hộ gia đình và cộng đồng thôn, nhóm thuộc hộ nhận khoán tại 5 huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn cho thấy công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng chưa được các BQL rừng quan tâm đúng mức; công tác đôn đốc, tuần tra, truy quét để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng còn hạn chế. Các hộ dân được nhận khoán chỉ dọn phát tuyến, tuần tra bảo vệ 2 lần mỗi năm và chỉ đi tuần tra bảo vệ rừng khi còn có thông báo tại khu vực nhận khoán giáp ranh. Một số hộ dân mỗi năm cũng chỉ đi phát tuyến 2 lần mà không đi bảo vệ phần diện tích được giao khoán.

Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng của các BQL rừng cũng chưa được quan tâm đúng mức, thể hiện sự thiếu kiểm tra trong công tác quản lý. Một số diện tích lớn, nhiều lô giao khoán bị tác động, không có rừng nhưng BQL rừng không phát hiện, không trừ bỏ diện tích, không báo cáo cơ quan có chức năng xử lý. Qua kiểm tra, đã phát hiện thêm diện tích không có rừng nhưng các BQL rừng vẫn nghiệm thu, thanh toán tiền công quản lý, bảo vệ cho các hộ gia đình, tổ chức dẫn đến việc chi khoán quản lý bảo vệ rừng không đúng quy định.

Đối với việc khai thác rừng trồng phòng hộ huyện Hoài Nhơn có diện tích 76,49 ha, UBND huyện Hoài Nhơn đã phê duyệt mức hưởng lợi hộ dân 85%, nộp bên giao khoán 15% và xác định giá bán gỗ khai thác là không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, còn chưa kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với chi phí thiết kế khai thác rừng phòng hộ có tổng số tiền là 16,7 triệu đồng.

Tương tự, việc khai thác rừng trồng phòng hộ thuộc huyện Phù Mỹ, có diện tích 163,99 ha mà UBND tỉnh Bình Định chủ trương cho khai thác, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ bằng vốn ngân sách Nhà nước năm 2015, BQL rừng Phù Mỹ đã thực hiện các thủ tục để các hộ dân tự tổ chức khai thác. Tuy nhiên, UBND huyện Phù Mỹ phê duyệt mức hưởng lợi thuê đơn vị tư vấn thiết kế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khai thác; tiền bán gỗ thu được sau khi trừ các chi phí thì hộ nhận khoán hưởng 80% và trồng lại rừng sau khi khai thác, Nhà nước thu 20% và xác định giá bán cao hơn 3% giá thiết kế là không đúng thẩm quyền.

Mặt khác, BQL rừng Phù Mỹ đã tính thiếu 20% phần nộp vào ngân sách với số tiền 292,3 triệu đồng, mà nguyên nhân do BQL đã tính trùng chi phí thiết kế, thẩm định, quản lý dẫn đến số tiền nộp ngân sách bị thiếu hụt so với thực tế.

Những khuyết điểm sai phạm trong công tác giao khoán, bảo vệ rừng tại BQL rừng Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, trách nhiệm chính thuộc về các BQL rừng mà trực tiếp là Giám đốc các BQL rừng và các bộ phận trực thuộc; trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc về UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn và các tập thể, cá nhân có liên quan.

Thanh tra tỉnh Bình Định đã kiến nghị thu hồi số tiền 928,3 triệu đồng từ các BQL rừng Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn do chi tiền công tác quản lý bảo vệ rừng hưởng lợi áp dụng đơn giá không đúng; do diện tích không có rừng nhưng các BQL rừng chưa trừ bỏ mà vẫn nghiệm thu, thanh toán; do giảm 7% kinh phí quyết toán tiền quản lý bảo vệ rừng do giảm diện tích không có rừng nhưng các BQL rừng chưa trừ bỏ.

Đồng thời, các BQL rừng Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn tiến hành tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có sai phạm trong công tác giao khoán bảo vệ rừng đã nêu trên. Kịp thời khắc phục, chấm dứt ngay những khuyết điểm, sai phạm; có biện pháp chấn chỉnh đưa công tác giao khoán bảo vệ rừng đúng theo quy định của pháp luật.

Thanh Lương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

(Thanh tra) - Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 119/KL-TTr ngày 15/11/2024 về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Trần Quý

21:00 13/12/2024
Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định thu hồi tiền cho thuê đất chưa được Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền 594,4 triệu đồng và xác định là trách nhiệm của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh.

Nam Dũng

16:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm