Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị “Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á”

Thái Hải

Thứ hai, 29/08/2022 - 15:28

(Thanh tra) - Từ ngày 29-31/8, Đoàn Đại biểu cấp cao Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị “Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á” diễn ra tại Thái Lan theo hình thức trực tiếp.

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam đã tham dự trực tuyến phiên khai mạc Hội nghị “Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á”. Ảnh: TH

Tại đầu cầu Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam đã tham dự phiên khai mạc bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị đề ra mục tiêu tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng phức tạp trên tinh thần Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác và tạo ra một diễn đàn khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật.

Trong bối cảnh, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng được tổ chức tại New York vào tháng 6/2021, đã nêu bật tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm phòng, chống và xóa bỏ tham nhũng. Trong tuyên bố chính trị được thông qua, các quốc gia thành viên nhấn mạnh đến việc trao đổi thông tin và hợp tác hiệu quả, kịp thời giữa các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời khuyến khích và thiết lập tăng cường các kênh liên lạc thích hợp để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin.

Bên cạnh đó, hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 12/2021 đã thông qua các nghị quyết về tăng cường thực hiện UNCAC tại khu vực và về tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật nhằm chống tham nhũng.

Các nghị quyết quan trọng này kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau trong xử lý tham nhũng trong khu vực và chủ động kịp thời chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật về chống tham nhũng để giải quyết các vụ tham nhũng. Hội nghị lần này nhằm tăng cường hợp tác và phối hợp trong khu vực và quốc tế giữa các cơ quan điều tra và truy tố quốc gia, cũng như nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong điều tra các vụ án tham nhũng phức tạp.

Đồng thời cũng chú trọng xem xét nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các đơn vị thông tin tài chính (FIU) với nhau, cũng như giữa các FIU với cơ quan chống tham nhũng và các cơ quan thực thi pháp luật khác; nâng cao sự hợp tác giữa các cơ quan điều tra tham nhũng và các cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp.

Toàn cảnh hội nghị tại Thái Lan. Ảnh: HTQT

Được biết, hội nghị quy tụ các đại diện cấp cao đến từ cơ quan phòng, chống tham nhũng, cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp, viện công tố, viện kiểm sát và các đơn vị thông tin tài chính nhằm thảo luận một loạt vấn đề lến quan đến tham nhũng, xác định các thách thức mà cán bộ thực thi pháp luật gặp phải, đánh giá các sáng kiến hiện nay và thảo luận định hướng nhằm tăng cường các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong khu vực trong tương lai.

Ngoài ra, có các lãnh đạo và cán bộ làm thực tiễn từ các cơ quan thực thi pháp luật, kiểm sát viên, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, công an, đơn vị thông tin tài chính, cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hỗ trợ quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, phức tạp có yếu tố nước ngoài, liên quan đến nhiều nền tài phán trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh các đại biểu đến từ Đông Nam Á còn có những người làm thực tiễn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Niu-di-lân cùng tham dự.

Theo chương trình hội nghị, ngày thứ nhất (29/8), sau khai mạc sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận cao cấp, đó là: Tham nhũng, thách thức và thực tiễn; các yếu tố đảm bảo thành công trong khu vực và quốc tế; xử lý tham nhũng, bài học từ các khu vực khác và cách tiếp cần chiến lược từ góc nhìn của Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).

Cùng ngày, các đại biểu sẽ tiến hành làm việc thảo luận nhóm với các chủ đề như: Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng có liên quan đến nhiều quốc gia; giải quyết mối liên hệ giữa tham nhũng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tăng cường pháp luật và thể chế nhằm thu hồi tài sản bị đánh cắp.

Các ngày tiếp theo, các đại biểu sẽ trình bày những thách thức và thực tiễn tốt và các chủ đề liên quan đến nội dung trong các phiên thảo luận trước đó.

Hội nghị sẽ đưa ra một số kết quả dự kiến: Xây dựng niềm tin và các kênh thông tin liên lạc thông qua tạo ra cơ hội kết nối và thiết lập các kênh thông tin trao đổi giữ các cơ quan và cán bộ chuyên môn; thúc đẩy trao đổi các thực tiễn tốt và bài học kinh nghiệm; thông qua thảo luận về các thách thức trong quá trình hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật và đề ra những cách giải quyết thiết thực nhằm vượt qua nhũng thách thức đó; thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới phòng, chống tham nhũng khu vực.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm