Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng Cơ sở Dữ liệu không phải để giải quyết các vụ việc

Phương Hiếu

Thứ tư, 27/07/2022 - 21:46

(Thanh tra) - Chiều ngày 27/7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Ngọc Liêm đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về một số nội dung của Dự thảo Nghị định quy định Cơ sở Dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: LP

Thực hiện Chương trình Xây dựng pháp luật của Chính phủ năm 2021, TTCP được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định Cơ sở Dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, đến nay TTCP đã nhận được ý kiến của 24 thành viên Chính phủ. Về cơ bản, các thành viên Chính phủ nhất trí với nội dung và bố cục của dự thảo nghị định, ngoài ra còn có một số ý kiến góp ý như tại Điều 6 quy định về thông tin được cập nhật trong cơ sở dữ liệu cần bổ sung thông tin về ngày, tháng, năm sinh; nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại; số định danh cá nhân; số điện thoại liên hệ (nếu có) để tạo thuận lợi trong quá trình tra cứu, kiểm tra, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Về nội dung này, theo TTCP, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hiện hành không quy định bắt buộc cá nhân, tổ chức phải cung cấp đầy đủ các thông tin này mà chỉ quy định thông tin về họ tên, địa chỉ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không phải để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Các thông tin cập nhật trong cơ sở dữ liệu chỉ là những thông tin cơ bản về nội dung vụ việc và kết quả giải quyết; các thông tin, tài liệu vụ việc vẫn lưu và quản lý bằng hồ sơ giấy tờ theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, TTCP đề nghị giữ nguyên như dự thảo.

Tại Điều 18, theo TTCP, mỗi cơ sở dữ liệu có nội dung thông tin có tính chất khác nhau và có thiết kế kỹ thuật khác nhau. Do đó, nghị định chỉ quy định mang tính nguyên tắc về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mà không quy định cứng về phạm vi, phương thức, nội dung, trường hợp thực hiện kết nối, chia sẻ.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: LP

Có ý kiến cho rằng dữ liệu bảo đảm có giá trị pháp lý tương đương các văn bản giấy chưa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Điều đó có nghĩa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia khi khai thác cũng có giá trị pháp lý tương đương bản giấy để làm cơ sở xử lý hoặc thực hiện các nghiệp vụ xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngay cả khi các cơ quan, tổ chức chưa/không nhận được bản giấy.

Theo TTCP, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các nghị định hướng dẫn thi hành không quy định hình thức thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo thông qua các thông điệp dữ liệu mà chỉ thực hiện bằng đơn và trực tiếp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thông qua các số liệu thống kê vụ việc chứ không phải là phần mềm nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Cũng theo TTCP, đối với cơ sở dữ liệu quốc gia này có điểm rất đặc trưng, khác biệt là các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, cập nhật mới tạo thành dữ liệu trong hệ thống. Do đó, dự thảo nghị định không quy định vai trò của dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, không phải để công dân khai thác cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Các thủ tục hành chính trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hiện nay đã được quy định trong pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Do đó, dự thảo nghị định không quy định về thủ tục hành chính trong các hoạt động này.

Đối với nội dung cập nhật thông tin họ tên, địa chỉ của người tố cáo nhằm bảo đảm yêu cầu về bảo mật thông tin của người tố cáo, theo TTCP, cơ sở dữ liệu này được quản lý chặt chẽ và chỉ một số cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác (cơ quan cập nhật và một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo Điều 14 của dự thảo nghị định). Trong quá trình quản lý, khai thác phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân (khoản 1 Điều 4 của dự thảo).

TTCP cũng làm rõ các nội dung được quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 11, khoản 4 Điều 11…

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trao đổi kỹ thêm về các ý kiến đề nghị làm rõ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm đánh giá cao các ý kiến tham gia tại buổi làm việc. Đồng thời cho biết, TTCP đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo nghị định và trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.

Lâm Ánh

15:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm