Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Triển khai nhiều giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”

Thứ ba, 29/06/2021 - 06:00

(Thanh tra)- Đó là khẳng định của ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với PV Báo Thanh tra về việc vừa bảo đảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 và phòng, chống đại dịch Covid-19 của Thanh tra Bộ nói riêng, lực lượng thanh tra ngành Giao thông nói chung.

Ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ GTVT. Ảnh: TQ

Ông Hoàng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và yêu cầu về tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi nền kinh tế; trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý của ngành, Thanh tra Bộ GTVT đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra ngành GTVT năm 2021 có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay, đặc biệt là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thanh tra, nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, để phù hợp với tình hình mới về phòng, chống dịch Covid-19, Thanh tra ngành GTVT đã kịp thời thực hiện phương án điều hành linh hoạt đảm bảo thực hiện “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “mục tiêu kép” để hoàn thành nhiệm vụ đề ra; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã và đang triển khai; bám sát định hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời rà soát, điều chỉnh số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và điều chỉnh thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT đang tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong triển khai, quản lý, điều hành hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thăm tổ thanh tra GTVT tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: TQ

Ngoài việc điều chỉnh giảm số lượng các cuộc thanh tra, nhiều đơn vị trong ngành Thanh tra còn đề xuất thực hiện thêm một số hình thức mới không phiền hà đến đơn vị được thanh tra, đó là không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra (chỉ làm việc qua hồ sơ). Thanh tra Bộ GTVT có áp dụng cách thức này khi tiến hành các cuộc thanh tra từ 2020 đến nay không, thưa ông?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Bộ GTVT đã đổi mới cách thức triển khai thực hiện để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra, như: Tăng cường và chú trọng khâu khảo sát, nắm bắt thông tin, thu thập hồ sơ, tài liệu và nghiên cứu lựa chọn, xây dựng đề cương thanh tra tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, hạn chế thời gian làm việc tại đơn vị; yêu cầu đơn vị cung cấp và chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra đến trụ sở cơ quan thanh tra để kiểm tra, xác minh, đồng thời tăng cường làm việc với các đơn vị theo hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, thay bằng việc thu thập hồ sơ, tài liệu từ các đơn vị, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu trên hệ thống quản lý của Bộ GTVT để phục vụ công tác thanh tra.

Trong công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ hình thức, cách thức xử lý nhằm nâng cao quản lý Nhà nước, như: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo giải trình... Qua nghiên cứu hồ sơ, Thanh tra Bộ tham mưu Bộ GTVT ban hành các văn bản chỉ đạo, xử lý, chấn chỉnh kịp thời tồn tại, vi phạm (nếu có) hoặc đề xuất kiểm tra đột xuất trong trường hợp cấp thiết. Đây là giải pháp phòng ngừa hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Qua các cuộc thanh tra, Thanh tra ngành GTVT đã kiến nghị sửa đổi về thể chế hay tham mưu các giải pháp nào nhằm đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật đồng thời giúp các đơn vị thanh tra “vượt khó” trong thời kỳ Covid-19, nhất là trong lĩnh vực vận tải hành khách nội địa?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Qua công tác thanh tra, Thanh tra ngành GTVT đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của ngành GTVT, đặc biệt kiến nghị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Đây cũng là nội dung ngành GTVT đang tập trung thực hiện.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra ngành GTVT cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đối tượng thanh tra, kiểm tra, trong đó đề nghị các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT và chính quyền địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Lực lượng thanh tra giao thông chuyên ngành kiểm tra xe quá khổ, quá tải. Ảnh: TQ

Số lượng đơn thư, phản ánh về sai phạm trong lĩnh vực GTVT giảm đi trong thời gian cả nước ưu tiên cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh không, thưa ông? Nếu xuất hiện đơn thư, lực lượng thanh tra ngành sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh 6 tháng đầu năm 2021 (242 đơn) tăng 9 đơn so với 6 tháng đầu năm 2020 (233 đơn); nhưng chủ yếu là đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT (đơn thư nặc danh, mạo danh, đơn không rõ nội dung, không rõ địa chỉ).

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khi nhận đơn thư, Thanh tra Bộ GTVT kịp thời phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền.

Xin ông cho biết, Thanh tra Bộ GTVT xây dựng giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 trong khi ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch Covid-19?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT đã và đang triển khai đồng bộ một số các giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay, như: Xây dựng Kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm tra thông qua hồ sơ, tài liệu để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra, kiểm tra; thu thập thông tin, dữ liệu từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GTVT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Hiện nay, Thanh tra Bộ GTVT đang tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống phần mềm để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động thanh tra ngành GTVT.

Lực lượng thanh tra giao thông chuyên ngành phối hợp với các lực lượng kiểm tra an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: TQ

Xin ông cho biết, Thanh tra Bộ GTVT có tham mưu, kiến nghị gì để hỗ trợ cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp của đại dịch Covid-19 của ngành? Ví dụ, hỗ trợ tiền để xét nghiệm, tiêm vắc xin; hỗ trợ lương, thu nhập cho các đối tượng thuộc nhóm F1; lùi thời gian cổ phần hóa…?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19: Kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021; cho phép lùi thời gian thực hiện quy định về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm; vay vốn ưu đãi để đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt; chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên…

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách; giảm thuế cho doanh nghiệp; giảm lãi suất, hoãn nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GTVT, Công đoàn Thanh tra Bộ GTVT đã phát động và tích cực tham gia ủng hộ, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch, trong đó có Quỹ Vắc xin phòng chống dịch Covid-19, nhắn tin ủng hộ qua tổng đài 1408; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống, đối phó với dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra; cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GTVT.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Quý (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm