Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 tỉnh, thành phố

Phương Anh

Thứ sáu, 01/10/2021 - 17:00

(Thanh tra)- Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 70 đơn vị hành chính cấp huyện của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

TP Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở dịch vụ ăn uống

Bộ Y tế cho biết, từ tháng 11/2015 - 11/2016, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường (mỗi Thành phố 5 quận, huyện và 10 xã, phường).

Việc thí điểm trong thời gian này đã ghi nhận được những kết quả tích cực: Việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến quận, huyện và xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP.Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) tăng lên so với cùng kỳ năm 2015.

Tiếp đó, từ tháng 7/2019 đến 10/7/7/2020, thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai) đã triển khai thực hiện thí điểm tại 72 đơn vị hành chính cấp huyện và 970 đơn vị hành chính cấp xã.

Kết quả thí điểm cũng đã ghi nhận, kết quả thanh tra, xử lý vi phạm và tình hình về ATTP trên các địa bàn thí điểm đã ghi nhận hiệu quả nhất định của hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhất là tại cấp huyện, đã góp phần cải thiện tình hình về ATTP trên các địa bàn thí điểm. Các cơ sở thực phẩm được thanh tra đều chấp hành quyết định thanh tra, không xảy ra phản ánh, khiếu nại, tố cáo đối với đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra. Công tác thanh tra đã kết hợp với tuyên truyền chính sách, pháp luật và kiến thức về ATTP, đã nhận được sự ủng hộ của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân; công tác truyền thông đã giúp người dân nâng cao được hiểu biết và ý thức trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, lựa chọn thực phẩm và cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, tổng kết thí điểm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, tại Báo cáo số 289/BC-BYT ngày 12/3/2021, Bộ Y tế cũng đã nêu những khó khăn, hạn chế, đó là: Thí điểm trong thời gian 1 năm nhưng thực tế chủ yếu thực hiện nửa năm đầu, nửa cuối của thời gian thí điểm (từ tháng 2 đến tháng 7/2020) xảy ra dịch bệnh COVID-19 đã hạn chế hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, các tỉnh thí điểm nêu khó khăn chủ yếu về nhân lực, đặc biệt là tại cấp xã nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, nhân lực và việc tổ chức thực hiện mô hình tại cấp huyện có thuận lợi hơn (với quy mô thí điểm ở 970 đơn vị hành chính cấp xã đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, trong khi cả nước có hơn 10.600 đơn vị hành chính cấp xã, nếu triển khai thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp ở giai đoạn hiện nay).

Theo đánh giá, trong thời gian thí điểm vừa qua, 9 tỉnh đã thí điểm ở 72 đơn vị hành chính cấp huyện, với số nhân lực có sẵn đã được đào tạo, để bảo đảm có đủ đại diện các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau và với quy mô thí điểm tại 72 huyện hoàn toàn khả thi, không phát sinh nhiều các nguồn lực để triển khai thực hiện (hiện nay là 70 đơn vị hành chính cấp huyện do đã thành lập Tp Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh từ sáp nhập Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức).

Vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất và nhận được sự thống nhất của các Bộ, ngành và UBND 9 tỉnh thí điểm về việc tiếp tục thí điểm tại các đơn vị hành chính cấp huyện của 9 tỉnh đã thí điểm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg để có đủ cơ sở thực tiễn để đánh giá hiệu quả của mô hình.

Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 70 đơn vị hành chính cấp huyện của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 – 2020 và thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 7/9/2021 của Chính phủ về việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nội dung cơ bản của Dự thảo Quyết định quy định về người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp huyện; Tiêu chuẩn của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện; Thẩm quyền quyết định phân công người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp huyện; Nhiệm vụ, quyền hạn của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện; Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; Chế độ, chính sách đối với người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cấp huyện; Hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện; Trách nhiệm trong quản lý hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện; Sử dụng kinh phí và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về ATTP ở cấp huyện, cấp xã; Địa bàn và thời gian thực hiện thí điểm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ngãi: Phát hiện sai phạm hơn 91 tỷ đồng

Quảng Ngãi: Phát hiện sai phạm hơn 91 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, UBND tỉnh và các ngành, địa phương tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo thực hiện 218 cuộc thanh tra, kiểm tra; kết quả đã ban hành kết luận đối với 159 cuộc tại 941 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm với tổng số tiền 91.784,4 triệu đồng và 832m2 đất.

Lâm Ánh

14:27 26/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm