Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 07/02/2017 - 07:17
(Thanh tra)- Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), Chính phủ, các cấp chính quyền sẽ có thêm một “kênh” để hiểu cấp dưới, hiểu chính bản thân người dân, phục vụ ngay cho công tác điều hành, tăng thêm niềm tin….
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC là một trong những nhiệm vụ, “điểm nới” rất quan trọng.
“Đây là điểm giúp người ta thấy có hay không có dân chủ, giải quyết có đúng hay không đúng, chính quyền có quan tâm đến dân hay không. Bản thân người dân có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về các quy định của pháp luật cũng như hoạt động của chính quyền đó hay chưa”, ông Nhưỡng đánh giá.
Vừa qua, công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong giải quyết các vụ phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể chung thì chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Bản thân cán bộ được điều ra để tiếp dân, giải thích pháp luật có trường hợp không đủ trình độ. Thậm chí, có những trường hợp do không thích nhau mà điều cán bộ ra làm tiếp dân, cho nên không đánh giá hết được tầm quan trọng và mối nguy hiểm của công tác này”.
+ Thực tế, cũng có những chia sẻ cán bộ rất sợ làm công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC vì “bị cho ăn đủ thứ”, chưa kể còn bị người KN, TC hành hung. Ông nghĩ gì về điều này?
- Cán bộ tiếp dân, giải quyết KN, TC là lực lượng rất quan trọng. Tôi cũng thấy, chính sách quan tâm đến cán bộ tiếp dân, giải quyết KN, TC chưa đến nơi đến chốn. Vì thế, người ta làm không hết sức mình và có những người làm công tác này rất tâm tư.
Vừa qua, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tổng kết về công tác này của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan địa phương cho thấy, cần thiết phải đề cao hiệu quả thông qua công tác cán bộ.
Cho nên, phải lựa chọn cán bộ đúng các loại chuyên ngành, có hiểu biết thực sự về các mảng chuyên môn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ có bài bản từ việc tiếp xúc với người dân ra làm sao, vụ việc ít người thế nào, vụ việc đông người ra làm sao, phụ nữ, người già, người dân tộc, người có công ta thế nào… Bởi vì, công tác này phức tạp lắm!
Hơn nữa, tại sao cứ coi người dân đến KN, TC là gây phức tạp cho chính quyền, là cái gì đó rất khủng khiếp? Điều đó càng làm cho người dân bức xúc, tôi nghĩ nên nhận thức lại.
Chính những người KN, TC đến phản ánh là mang thông tin đến cho Chính phủ, cho chính quyền để chính quyền hiểu thêm cấp dưới, hiểu thêm chính bản thân người dân. Nếu làm tốt công tác này, Chính phủ, các cấp chính quyền có thêm một kênh, giao diện hoạt động đối với người dân, phục vụ ngay cho điều hành của anh.
Thứ nữa, giải quyết KN, TC là giải quyết bức xúc của người dân, tăng thêm niềm tin chứ. Không có gì cay đắng bằng xung đột lợi ích khi có những người KN 20 năm, 30 năm không được giải quyết thấu đáo, đến nơi, đến chốn, cứ cấp nọ đẩy lên cấp kia, đẩy lên trên thì trên bảo đó là việc của dưới.
+ Vấn đề quan trọng là phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC, thưa ông?
- Đúng vậy! Điều này đã được quy định trong luật. Cấp nào phải tiếp dân một tháng bao nhiêu ngày. Nếu người đứng đầu không tiếp dân thì đó là vi phạm luật. Bản thân ta còn vi phạm pháp luật thì đừng nói đến người dân.
Để quy định rõ trách nhiệm thì phải có sự giám sát của người dân. Ví dụ, vấn đề này do Chủ tịch tiếp nhưng Chủ tịch không tiếp, Phó Chủ tịch cũng không tiếp mà cho một chuyên viên tiếp nếu dân biết phản ánh thì phải chấn chỉnh, xử lý ngay. Thậm chí, trong phòng làm việc phải lắp camera để sau này kiểm tra lại xem có tiếp dân không.
Gần dân, trọng dân, hiểu dân là như thế nào? Chính công tác này vô cùng quan trọng. Trong thâm tâm và nhận thứ của tôi, nếu tôi là một người lãnh đạo thì đây chính là việc giúp người dân giải tỏa bức xúc, gây được niềm tin của người dân.
+ Bên cạnh sự giám sát của người dân thì cũng phải kiểm soát quyền lực của tất cả cán bộ, thưa ông?
- Đúng vậy! Tổng Bí thư từng nói phải “nhốt quyền lực vào lồng”. Thủ tướng cũng nói, “kiểm soát quyền lực của bất cứ cán bộ nào”.
Nhà nước ta, quyền lực là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ở trong mỗi loại quyền lực ấy phải kiểm soát lẫn nhau nữa. Như vậy, có kiểm soát trong, kiểm soát ngoài, kiểm soát nội bộ. Cán bộ là người nắm quyền lực của Nhà nước do người dân trao cho, nếu không kiểm soát thì sẽ vô chính phủ, sự tha hóa tự nhiên.
+ Là Đại biểu Quốc hội, ông có đặt niềm tin về một Chính phủ kiến tạo, kiêm chính và hành động?
- Tôi nghĩ, khi Chính phủ đặt ra một triết lý, có nghĩa đặt ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình của anh, giống như một nguyên tắc sống, đạo lý. Nên tôi rất tin tưởng vì nếu không có triết lý, không có đạo lý thì con người ta dễ lầm đường, lạc lội.
Với quyết tâm hành động của Thủ tướng, với một Chính phủ có triết lý như thế, thì cơ hội điều hành đất nước sẽ có nhiều sáng sủa, đặc biệt sẽ dành được sự ủng hộ cao nhất của Quốc hội.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Hải Hà
12:54 15/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh