Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước

Thái Hải

Thứ tư, 14/08/2024 - 16:48

(Thanh tra) - Là tên đề tài khoa học cấp bộ do ThS Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm được Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu vào ngày 14/8.

ThS Đỗ Mạnh Hùng trình bày nội dung thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Tại hội thảo, ThS Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh: Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước là hoạt động cần thiết và thường xuyên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Trong thời gian qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước có thay đổi. Tuy nhiên, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; một số pháp luật chưa phù hợp với hoạt động thực tiễn cũng như định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả.

Nhiều sai phạm xảy ra trong việc thực hiện cổ phần hóa, việc quản lý đầu tư và rút vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn vào VietnamAirlines, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, Công ty Đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh).

Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn Nhà nước chưa được cụ thể theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách Nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn, việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chưa xác định rõ trong đầu tư công.

Sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng như: Quyết định đầu tư vượt khả năng nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, huy động và bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng cao so với phê duyệt ban đầu làm phá vỡ kế hoạch vốn, không có khả năng cân đối nguồn vốn.

Hoạt động thanh tra đã chỉ ra sai phạm trong quản lý vốn, đầu tư trong lĩnh vực xây dựng như: Sai phạm từ khi lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định (đưa ra các tiêu chí có tính chất chỉ định thầu, gài thầu); việc thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả đấu thầu thiếu chặt chẽ, dẫn đến sai sót của đơn vị tư vấn đấu thầu không được phát hiện chấn chỉnh kịp thời. Chủ đầu tư thực hiện kế hoạch đấu thầu thiếu công khai, minh bạch; không thực hiện đúng kế hoạch đấu thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ định thầu không đúng thẩm quyền, quy trình.

Ngoài ra, còn do tiến độ thi công công trình chậm so với hợp đồng, gây lãng phí thời gian và nguồn vốn. Đơn vị thi công thực hiện thiếu khối lượng, không bảo đảm chất lượng so với yêu cầu thiết kế kỹ thuật được duyệt. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa tập trung nguồn vốn để thanh toán nợ đầu tư xây dựng cơ bản mà còn phân bổ vốn đầu tư dàn trải, dẫn đến có những cơ quan, đơn vị dễ xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài.

Hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước như: Hiện tượng buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại một số doanh nghiệp Nhà nước; sử dụng vốn đầu tư vào một số dự án đầu tư đạt hiệu quả thấp, để xảy ra nhiều sai phạm trong sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, có trường hợp sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản, vốn của Nhà nước, dẫn đến phải xử lý hình sự.

Việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, kém hiệu quả; nhất là còn để xảy ra nhiều sai phạm trong định giá tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước để cổ phần hóa; xảy ra nhiều sai phạm trong việc thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, qua thanh tra đã kiến nghị nhiều doanh nghiệp phải xử lý những sai phạm đến mức phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, việc thực hiện yêu cầu, chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu. Việc hạch toán không đúng kết quả sản xuất, kinh doanh không đủ doanh thu, không tăng đúng chi phí hoặc chuyển giá ra nước ngoài; chưa thực hiện nộp đầy đủ về quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; đầu tư ngoài ngành sai quy định, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của doanh nghiệp.

Từ các lý do trên mà chủ nhiệm đề tài cho rằng cần thiết phải nghiên cứu đề tài “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước”.

Với mục tiêu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra liên quan đến thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời đề xuất các giải pháp thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay, đề tài nghiên cứu 3 nội dung chính:

Chương 1: Cơ sở lý luận về thanh tra việc việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Nội dung này tập trung vào việc đưa ra một số khái niệm, nguyên tắc, đặc điểm về thanh tra. Khái quát về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, đặc điểm, nội dung, vai trò, ý nghĩa thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Chương 2: Thực trạng pháp luật và hoạt động thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Chương 3: Đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và hoạt động thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, đây là đề tài khá rộng; do đó phần đặt vấn đề cần khái quát lại, ngắn gọn hơn. Do vậy, phạm vi nghiên cứu cần co lại về một số vấn đề, lĩnh vực.

Tại nội dung 1, chủ nhiệm đề tài cần nêu ngắn gọn hơn, bớt các khái niệm nguyên tắc về hoạt động thanh tra, cần sử dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài trước.

Phần thực trạng, cần đưa ra một số kết quả về hiệu quả quản lý vốn Nhà nước.

Ông Lê Đức Trung, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đồng ý với cách tiếp cận pháp luật thanh tra việc quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, chủ nhiệm cần nêu thêm thẩm quyền thanh tra tại mục 2.1 “Thực trạng pháp luật về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước”; bỏ phần  2.2.1 “Thực trạng hoạt động thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước”.

Ông Lê Văn Đức, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, tại Chương 1, cần làm rõ chủ thể, nội dung nào có trách nhiệm trong việc thanh tra quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước.

Chương 2, chủ nhiệm đề tài cần làm rõ nhóm các sai phạm có tính phổ biến đối với việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Ví dụ, việc cấp vốn, sử dụng vốn có sai phạm gì trong thực tế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm làm tiền đề cho giải pháp Chương 3.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm