Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống
Thứ sáu, 29/09/2023 - 13:04
(Thanh tra) - Ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 148/CP thành lập TP Vinh. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Vinh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Vinh đã và đang trên đường trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, xứng đáng là quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh, quê hương Bác Hồ kính yêu.
Ông Phan Đức Đồng, Bí thư Thành uỷ Vinh chủ trì giao ban công tác Nội chính định kỳ. Ảnh: T.T
Với những thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Vinh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Độc lập Hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều năm được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập TP Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh diễn ra vào 19h ngày 30/9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Vinh vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Thành phố Đỏ anh hùng
Ngày 28/12/1961, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 32 về việc thành lập TP Vinh. Ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 148/CP thành lập TP Vinh. Vinh lúc này được coi là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Vinh bị tàn phá nặng nề nhưng quân và dân thành phố “luôn phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng” hiên ngang, anh dũng, quật cường, đánh bại hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964-1968; 1969-1972). Cùng với các địa phương khác của miền Bắc làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với miền Nam, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, TP Vinh được các chuyên gia Cộng hoà dân chủ Đức giúp đỡ quy hoạch lại “khang trang hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Ngày 1/5/1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại TP Vinh.
Sau hơn 35 năm đổi mới, TP Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cơ sở hạ tầng được xây dựng vững chắc, hệ thống giao thông phát triển. Nhiều công trình kinh tế, kỹ thuật, văn hoá lớn được xây dựng, nhiều khu đô thị mới đã mọc lên. Kinh tế phát triển ổn định, thường xuyên giữ mức tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đợc cải thiện, nâng cao.
Ngày 13/8/1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận TP Vinh là đô thị loại II. Ngày 30/9/2005, Chính phủ ban hành Quyết định 239/QĐ-CP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Vinh trở thành đô thị trung tâm Bắc Trung bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI và Đại hội Đảng bộ TP Vinh lần thứ XXI xác định mục tiêu xây dựng Vinh trở thành đô thị loại I vào năm 2010 hướng tới đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.
Đến ngày 5/9/2008, Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An. Xác định vị trí quan trọng của tỉnh Nghệ An và TP Vinh trong sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 827 ngày 12/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển TP Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ.
Thực hiên Nghị quyết 26 và Quyết định 827, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Vinh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và đôn đốc xây dựng, triển khai các đề án, chỉ thị, nghị quyết về kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXIV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, chỉ đạo UBND TP triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển TP Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của TP dự ước đạt 7,84%, cao hơn mức bình quân của tỉnh (7,45%); trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,83%; dịch vụ tăng 8,02%; nông - lâm - ngư nghiệp giảm 3,46%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 27,62% năm 2020 lên 28,25% năm 2023; dịch vụ giảm từ 71,33% xuống 70,85%; nông - lâm - ngư giảm từ 1,22% xuống 0,9%. Giá trị gia tăng bình quân người/năm tăng từ 101,2 triệu đồng (năm 2020) lên 120,2 triệu đồng (năm 2022), tăng bình quân 8,98%/năm giai đoạn 2020 - 2022.
TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp truy thu nợ đọng và chống thất thu. Tổng thu ngân sách TP quản lý tăng trưởng cao và tương đối ổn định, đến tháng 6/2023 ước đạt 7.237,4 tỷ đồng. Nhịp độ tăng thu bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2022 đạt 12,94%.
TP đã sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; bước đầu hình thành các vùng kinh tế nông nghiệp công nghệ cao tại các khu vực ngoại thành. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư. Hạ tầng giao thông, cảng hàng không, giao thông đối nội, đối ngoại được nâng cấp; nhiều tuyến đường mới được xây dựng, tạo điều kiện phát triển kinh tế và mở rộng không gian đô thị. Các khu đô thị mới, các tòa chung cư, văn phòng, khách sạn cao tầng, siêu thị, các tổ hợp công trình nhiều chức năng... được hình thành, đã làm thay đổi bộ mặt TP nhanh chóng, mang dáng dấp một đô thị văn minh, hiện đại ở khu vực Bắc Trung bộ.
TP Vinh bước đầu khẳng định là trung tâm giáo dục- đào tạo của vùng, luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh với nhiều thành tích cấp quốc gia, quốc tế. Có 77/86 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 89,5%. Năm 2020, TP Vinh được UNESCO công nhận "Thành phố học tập toàn cầu". Lĩnh vực y tế có bước phát triển, với 718 cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư được quan tâm, không để xảy ra khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới rõ nét. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; dân chủ nhân dân ngày càng được phát huy. Đảng bộ TP nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đăc biệt, ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung xây dựng TP Vinh mở rộng trở thành Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Nghị quyết khẳng định: Tâp trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển TP Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung bộ.
Nghị quyết 39-NQ/TW ra đời trong bối cảnh thành phố sẽ mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc. Đây được coi là cơ hội để TP Vinh thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; mở ra cơ hội thay đổi tầm nhìn, vai trò, vị thế của TP, tạo ra động lực phát triển mới.
Công tác thanh tra đạt hiệu quả, góp phần ổn định tình hình vì sự phát triển
Thanh tra TP Vinh hiện có 11 người, gồm: Chánh Thanh tra, 2 Phó Chánh Thanh tra và 8 thanh tra viên.
Trình độ chuyên môn có 5 Thạc sỹ, 6 Đại học 06/11. Lý luận chính trị có 2 Cao cấp, 1 đang học cao cấp, 6 Trung cấp và 2 Sơ cấp. Nhìn chung, đội ngũ thanh tra viên đều đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Phát huy truyền thống lịch sử 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 60 năm ngày thành lập TP Vinh, trong nhiều năm qua, cùng với truyền thống 78 năm ngành Thanh tra Việt Nam (1945 - 2023), Thanh tra TP Vinh đã không ngừng lớn lạnh, nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP và cả tỉnh.
Trao đổi với PV về kết quả công tác trong những năm gần đây, bà Hoàng Thuỵ Phương - Chánh Thanh tra TP Vinh cho biết: Thanh tra TP Vinh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, giúp UBND TP quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh trong phạm vi quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, trong nhiều năm qua, nhất là 3 năm trở lại đây, Thanh tra TP đã tham mưu UBND TP trên lĩnh vực công tác và đạt nhiều kết quả.
Công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra, căn cứ định hướng của Thanh tra Chính phủ và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP để xác định, lựa chọn nội dung đưa vào Kế hoạch thanh tra năm đảm bảo chất lượng, trọng tâm, trọng điểm và theo đúng định hướng của ngành, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của Thành ủy, HĐND, UBND TP; chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra năm đảm bảo đúng quy định.
Từ năm 2021 đến 9 tháng của năm 2023, Thanh tra TP đã triển khai thành lập 29 Đoàn thanh tra tại 34 đơn vị về thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, PCTN, thực thi nhiệm vụ công vụ và thanh tra quản lý, sử dụng tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai...(Trong đó, năm 2021, 2022 tiến hành 22 Đoàn thanh tra tại 27 đơn vị; 9 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện 12 đoàn thanh tra theo kế hoạch, trong đó 5 đoàn theo Kế hoạch thanh tra năm 2022 chuyển sang, 7 đoàn theo Kế hoạch thanh tra năm 2023).
Qua thanh tra theo kế hoạch đã kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng cơ bản, môi trường, các nguồn vận động tài trợ, quỹ phí... và kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước 832.919.132 triệu đồng. Thực hiện đôn đốc thu hồi sau thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước 832.343.132 đồng.
Đối với thanh tra đột xuất, Thanh tra TP đã tham mưu Chủ tịch UBND TP thành lập 1 đoàn thanh tra đột xuất về lĩnh vực đất đai. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 805.840.000 đồng. Hiện nay đã nộp toàn bộ số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Phòng Tài chính - Kế hoạch mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh Nghệ An, chờ xử lý.
Thực hiện nhiệm vụ công tác, Thanh tra TP Vinh luôn xác định công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, đã thường xuyên tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các phòng, cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; định kỳ hàng tháng tổng hợp việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để gửi Thường trực Thành ủy và phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy tổng hợp trình Ban Thường vụ Thành ủy nghe và cho ý kiến. Nhìn chung, các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra cơ bản được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo yêu cầu về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức và thu hồi kinh tế.
Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC được UBND TP quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo đổi mới, tích cực, quyết liệt, không hình thức. Nhờ đó đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn thư. Tổ chức nhiều hội nghị triển khai, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, KNTC cho cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Triển khai thực hiện nhiều giải pháp để chỉ đạo giải quyết các vụ việc như: Đổi mới cách thức nghiên cứu vụ việc và đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành để tham mưu phương án giải quyết trên cơ sở đảm bảo tính khả thi, hợp tình, hợp lý; tăng cường theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra các phòng, đơn vị, phường, xã trong việc giải quyết các vụ việc được giao, đồng thời kịp thời có văn bản đôn đốc, phê bình nhắc nhở những tập thể, cá nhân chậm trễ; linh hoạt xin ý kiến chuyên môn của cấp trên với nhiều hình thức khác nhau...
Chủ tịch UBND TP đã tiếp công dân định kỳ 143 lượt với 157 vụ việc và tiếp thường xuyên 951 lượt với 571 vụ việc; Chủ tịch UBND phường, xã đã tiếp công dân định kỳ 212 lượt với 140 vụ việc và tiếp thường xuyên 1026 lượt với 741 vụ việc; Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố tiếp nhận 4.169 đơn với 2.962 vụ việc thuộc thẩm quyền.
Tiến hành rà soát, phân loại, đôn đốc, có phương án xử lý các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay, đã giải quyết xong 43 vụ việc, đang giải quyết 5 vụ việc, trong đó có 1 vụ việc có thể giải quyết xong.
Nhìn chung, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Công dân đăng ký tiếp dân tại tỉnh, thành phố ngày càng giảm, không có đoàn khiếu kiện đông người. Các vụ việc cơ bản giải quyết đảm bảo theo quy định. Tỷ lệ giải quyết của TP hàng năm đạt 96%. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, tồn đọng, phức tạp được tập trung chỉ đạo giải quyết, đã bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Song song với đó, Thanh tra TP đã tham mưu UBND TP nhiều giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, tiêu cực, trong đó ưu tiên tập trung các giải pháp phòng ngừa như tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chấn chỉnh các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính, xây dưng cơ bản, cải cách hành chính... ; Tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền TP với Bí thư, Chủ tịch UBND phường xã, cấp ủy, chi bộ trực thuộc phường, xã; giữa Chủ tịch UBND TP với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; quan tâm chú trọng công tác cán bộ từ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động nhằm nâng cao bản lĩnh, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ,...
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập theo quy định, góp phần có hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.
Lâm Ánh
15:43 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng ngày 22/11, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Phương Hiếu
12:31 22/11/2024Phương Hiếu
16:23 21/11/2024Trung Hà
14:02 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân