Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra không phải “con hổ” mang kết luận thanh tra đi thực hiện

Thứ sáu, 15/09/2017 - 09:50

(Thanh tra)- “Thanh tra không phải “con hổ”, thanh tra chỉ đưa ra các kiến nghị trên cơ sở sự thật khách quan, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật. Còn quyền xử lý như thế nào đó là của cơ quan quản lý Nhà nước, chứ bản thân thanh tra không phải mang kết luận thanh tra đi thực hiện”, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Đinh Văn Minh nhận định tại Hội thảo Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nhằm đáp đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Thiếu tướng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Phạm Lê Xuất. Ảnh: TN

Kết luận thanh tra là văn bản gì?

Kết luận thanh tra là sản phẩm thể hiện đầy đủ, toàn diện kết quả hoạt động của đoàn thanh tra, của người ra quyết định thanh tra với những đề xuất, kiến nghị tác động đến đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an, kết luận thanh tra do Chánh Thanh tra ký ban hành chưa có tính bắt buộc cao nên giá trị tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc.

“Cơ quan thanh tra Nhà nước chỉ có quyền kiến nghị, đề xuất mà không có thẩm quyền quyết định xử lý. Quyết định xử lý thuộc về người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp. Trong khi đó, luật chưa quy định cụ thể nội dung thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc ra các quyết định thanh tra, chỉ đạo thanh tra, xử lý không kịp thời, không đúng với kết luận, kiến nghị đã nêu trong kết luận thanh tra”, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất nói.

Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Trần Đình Trữ thông tin, các vụ việc chuyển cơ quan điều tra theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, khi cơ quan điều tra kết luận không đủ cơ sở khởi tố hình sự, gửi trả hồ sơ cho cơ quan thanh tra để xem xét xử lý hình sự thì hầu hết đều không còn thời hiệu xử lý.

“Đặc biệt, đa số vụ việc sai phạm qua phát hiện của thanh tra có liên quan đến trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đều không xử lý kỷ luật được do “đã hết thời hiệu 24 tháng”. Thực tế, tại TP Hồ Chí Minh chỉ xử lý về mặt đảng được thôi”, ông Trữ cho biết khó khăn trong thực hiện kết luận thanh tra.

Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Trần Đình Trữ. Ảnh: TN

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Đinh Văn Minh cho rằng, do kết luận thanh tra chưa xác định được là văn bản gì nên mới có chuyện thực hiện hay không thực hiện, thi hành hay không thi hành, có quyền khiếu nại hay không có quyền khiếu nại.

“Theo tôi, kết luận thanh tra là sự đánh giá, nhận xét chính thức của cơ quan có thẩm quyền về một sự thật khách quan. Trong kết luận thanh tra bao giờ cũng có kiến nghị về cơ chế chính sách, về con người, về kinh tế. Nhưng từ kết luận đó, xử lý thế nào lại là việc khác”, ông Minh nói.

Khái quát nhất, theo Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, nghề thanh tra là xem và nói, nói cho chính xác và chịu trách nhiệm.

“Thanh tra không phải “con hổ”, thanh tra chỉ đưa ra các kiến nghị trên cơ sở sự thật khách quan, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật. Còn quyền xử lý như thế nào đó là của cơ quan quản lý Nhà nước, chứ bản thân thanh tra không phải mang kết luận thanh tra đi thực hiện được trừ một số trường hợp như yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm… Còn xử lý kỷ luật thì phải có hội đồng kỷ luật, phải có ông thủ trưởng, thu cái này, cái kia phải có cơ quan chức năng”, ông Minh nhấn mạnh.

Cơ quan Nhà nước thì không được nói “vu vơ”

Điều 57 Luật Thanh tra lại quy định, “đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại về kết luận thanh tra”. Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh nhận định, kết luận thanh tra là sản phẩm cuối cùng của một đoàn thanh tra nhưng lại “mở” ra các khâu khác. Đây là cơ sở, căn cứ để thủ trưởng quản lý Nhà nước cùng cấp ban hành quyết định xử lý sau thanh tra. Và, khi thủ trưởng quản lý Nhà nước xem xét, chỉ đạo thực hiện có thể phần kiến nghị trong kết luận thanh tra thay đổi.

“Nếu khiếu nại thì phải khiếu nại quyết định xử lý, sao lại khiếu nại kết luận thanh tra”, ông Trữ băn khoăn và đề nghị, cần quy định cụ thể quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện kết luận thanh tra để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, kết luận thanh tra không phải quyết định, không mang tính chất thi hành, không gây ra sự thay đổi về mặt pháp lý nên theo tinh thần của Luật Khiếu nại thì không khiếu nại. Nhưng có trường hợp kết luận thanh tra đưa ra hành vi hành chính gây thiệt hại thì phải có khiếu nại.

“Ở nước ngoài, người ta có quyền kiện vì anh là cơ quan Nhà nước thì không được nói vu vơ. Cho nên, cần phải phân biệt kết luận thanh tra nào được khiếu nại. Còn bình thường, để thực hiện kết luận thanh tra phải có quyết định hành chính và các quyết định đó mới đụng chạm đến quyền, lợi ích hợp pháp”, ông Minh nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra lưu ý thêm, nếu cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp ký kết luận thanh tra thì thường có hiệu lực ngay. Còn trường hợp kết luận thanh tra do thủ trưởng cơ quan thanh tra ký ban hành thì hầu hết là các kiến nghị.

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Đinh Văn Minh. Ảnh: TN

“Cần quy định rõ kết luận thanh tra là một văn bản pháp lý mang tính bắt buộc, các tổ chức cá nhân có liên quan phải thực hiện kèm theo là chế tài quy định cụ thể việc xử lý nếu người có trách nhiệm không thực hiện kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật”, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất đề nghị.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an cho rằng, cần xác định vị trí pháp lý của người đứng đầu cơ quan thanh tra là người ký ban hành kết luận thanh tra phải là lãnh đạo cơ quan hành chính Nhà nước để nâng cao vị trí của cơ quan thanh tra và giá trị pháp lý của kết luận thanh tra.

Cũng liên quan đến kết luận thanh tra, luật quy định phải công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật Nhà nước.

“Khi thanh tra có những trường hợp không thuộc bí mật Nhà nước nhưng rất nhạy cảm như liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp hay lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán rất nhạy cảm. Nên chăng cần đánh giá việc thực hiện công khai, tỷ lệ công khai, hình thức công khai để quy định những trường hợp nhạy cảm”, Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho biết.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm